David Dương – “Tỷ phú rác” trên đất Mỹ khởi nghiệp với 700 USD
Thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam Tổng Giám đốc Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022” |
Ông David Dương đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam.
Tha hương nơi đất khách
David Dương được biết đến là người nặng lòng với quê hương và được mệnh danh là “tỷ phú rác”, “ông vua rác” đầu tiên tại xứ sở cờ hoa.
Ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions tại Mỹ và Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam |
David Dương (tên thật là Dương Tử Trung) sinh năm 1958 trong một gia đình đông anh em tại TP. HCM. Cuối năm 1979, ông cùng gia đình chuyển sang định cư tại San Francisco, Mỹ. Những ngày đầu tại xứ lạ, gia đình ông đã trải qua những năm tháng vô cùng trật vật và khó khăn. Chưa quen về văn hóa, lối sống, không biết tiếng kèm với tài chính cạn kiệt khiến gia đình David Dương ngày đầu lao đao. Ông phải ở cùng 16 người chỉ vỏn vẹn trong hai căn phòng nhỏ mà ở Mỹ gọi là studio.
Những ngày đầu khởi nghiệp
Chỉ qua những bọc rác thải vứt ngoài những tòa nhà, cha của ông là Dương Tài Thu, đã nảy ra ý tưởng gom, tái chế rác và nó đã mở ra hướng đi cho cả gia đình ông. Với 700 USD, gia đình ông quyết định mua trả góp một chiếc xe tải cũ để thu gom rác trong khắp thành phố để đem đi bán. Ban ngày, David cùng em đi học, tối đến lại theo cha đến những khu chung cư đẻ lượm giấy, lon nhôm, ve chai… Công việc bắt đầu từ 6-7h tối và đến khi gom đủ rác sẽ trở về, may mắn thì đến 22h là đầy xe, nhưng có hôm đến tận 24h đêm hoặc 1h sáng. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, các thành viên gia đình ông cứ rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm trong thành phố nơi xứ lạ để thu lượm rác.
Những thành quả ban đầu
Sau một thời gian, có chút vốn liếng, gia đình David Dương đã đầu tư thêm những chiếc xe để mở rộng phạm vi thu gom rác. Tiếp đó là xây dựng nhà kho để chứa và tái chế rác, trang bị máy đóng kiện hàng… Nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi các hợp đồng thu gom rác thải với các đối tác cứ ngày một lớn dần.
Năm 1983, gia đình ông quyết định thành lập công ty Cogido Paper Corporation và David Dương làm giám đốc. Từ đó ông David Dương bắt đầu gánh trọng trách, chèo lái cơ nghiệp của gia đình. Năm 1987, gia đình David Dương mở thêm một nhà máy thu mua phế liệu tại thành phố San Jose.
Tai họa ập đến thử thách ý chí của một doanh nhân trẻ tài ba
Năm 1989, thấy công ty Cogido Paper Corporation của ông Dương ăn nên làm ra, công ty Norcal Waste Systems đã đề nghị mua lại với giá vài triệu USD. Khởi nghiệp chỉ với 700 USD, nay lại có công ty mời bán với mức giá vài triệu USD nên gia đình ông Dương nhanh chóng đồng ý. Tuy nhiên, công ty này đã “chơi xấu” với những điều khoản mập mờ và muốn tống cổ các thành viên trong gia đình ông. Chỉ sau 1 năm sau, bị đối xử quá tệ, em trai và chú của David Dương đã quyết định xin nghỉ việc, chỉ còn lại David Dương vẫn quyết định ở lại chấp nhận khổ cực để có được chút lương kiếm tiền thuê luật sư, phục hồi lại cơ nghiệp của gia đình.
Sau một thời gian thương lượng với công ty Norcal Waste Systems, gia đình David Dương được trả lại và tiếp quản một nhà máy ở San Joe. Nhưng trớ trêu thay, khi vừa tiếp quản nhà máy, chưa kịp mua bảo hiểm thì nhà kho bị cháy.
Vượt lên số phận
Không chịu khuất phục, David Dương vẫn cố gắng gượng gắn bó cùng nghề. Nắm bắt được thời thế, đến năm 1991, David Dương quyết định thành lập công ty mang tên California Waste Solutions (CWS) và đã giành được gói thầu đầu tiên về thu gom rác thải cho một nửa thành phố, gói thầu này trị giá vài chục triệu USD.
Với tư duy chiến lược, đầu óc kinh doanh thiên bẩm, công ty của David Dương ngày càng mở rộng và phát đạt. Các cơ sở tái chế của CWS liên tục được nâng cấp hiện đại để xử lý khối lượng chất thải ngày một tăng cao cùng nhiều loại vật liệu khác nhau. Theo ước tính, hiện CWS cung cấp việc làm cho khoảng 300 người, phần lớn là người gốc Việt. Về quy mô hợp đồng, tại thành phố San Jose là 1,2 tỷ USD, còn thành phố Oakland là hơn 1 tỷ USD và dần trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Người đàn ông gốc Việt luôn trăn trở hướng về nguồn cội
Tại Mỹ, ông luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt. Ngoài tạo công ăn, việc làm cho các lao động là người Việt, thông qua mối quan hệ tốt với chính giới của mình, ông còn giúp những người Việt kết nối với các cấp chính quyền đại phương tại một số bang tại Mỹ. Điển hình, tại Vùng Vịnh San Francisco, ông David Dương thành lập Hiệp Hội Doanh Nghiệp Người Mỹ Gốc Việt (VABA) với sứ mệnh tăng cường hợp tác giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam, châu Á và ngoài châu Á trong các hoạt động kinh doanh, hành chính, lao động và học thuật. VABA hiện đã mở rộng phạm vi hoạt động tới miền nam California và ngoài California. Hiệp hội đã thiết lập mối liên kết bền chặt giữa người dân Mỹ và Việt Nam, thúc đẩy phát triển và buôn bán nhiều sản phẩm, dịch vụ ở cả hai lục địa Bắc Mỹ và châu Á.
Ông David Dương – Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Người Mỹ Gốc Việt (VABA) |
Luôn đau đáu hướng về quê hương, nên những năm đầu thế kỷ 21, ông quyết định trở về nước và đầu tư góp phần phát triển kinh tế đất nước. Năm 2005, David Dương trúng gói thầu thiết kế, xây dựng và vận hành cơ sở xử lí chất thải rắn đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh trong vòng 50 năm. Đây là cơ sở đầu tiên và duy nhất xử lý chất thải rắn ở Đông Nam Á và là công trình xây dựng hố chôn lấp lớn nhất Việt Nam. Đi vào hoạt động từ năm 2007, hiện Khu liên hợp xử lý chất rắn Đa Phước hàng ngày tiếp nhận xử lí hơn 6.500 tấn rác theo tiêu chuẩn US EPA – Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.
Hiện “tỷ phú rác” bắt đầu triển khai dự án xử lý rác thải quy mô lớn cho cả TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và ấp ủ xây dựng một trường đại học trong “Khu công nghệ môi trường xanh”, tạo một nơi phức hợp gồm nhà hàng, trạm y tế, rạp hát…, để chuyên gia từ Mỹ về làm trong đó.
“Sợi dây kết nối”
David Dương còn được biết đến với vai trò Ủy viên Quỹ Tài trợ giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF), một tổ chức độc lập do Quốc hội Mỹ thành lập và được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, có sứ mệnh thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam thông qua giao lưu giáo dục trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Đặc biệt, chính ông là người kết nối tạo nên chuyến thăm của bà Sheng Thao - Thị trưởng thành phố Oakland (Mỹ) tới Việt Nam vào đầu tháng 8 vừa rồi.
Ngoài ra, David Dương còn được biết đến với những hoạt động nhân đạo hướng về quê hương. Cụ thể, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát, ông cũng rất nhiều lần ủng hộ đất nước qua những hình thức khác nhau. Vị doanh nhân này đã trao tặng 1.000 máy thở cho Việt Nam (tháng 9/2021), ủng hộ 100.000 USD vào Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Mỹ. Giá trị và tinh thần của ông đã lan tỏa tới người con trai ông là Johnny Dường, người từng chia sẻ: “Chúng tôi không bao giờ quên đi nguồn gốc của mình”.