Dấu ấn doanh nhân đất Cảng Phan Mạnh Dũng và Công ty Hoàng Phát
Theo báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, trong số này có 7 vụ việc qua kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 - 2021 tại TP. Hải Phòng. Kiểm toán Nhà nước cho biết, 7 doanh nghiệp này đã lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.
Công ty ĐT Công trình và TM Hoàng Phát bị Kiểm toán Nhà nước vạch rõ vi phạm xin cấp phép dự án khoáng sản sau đó "chuyển nhượng chui" cho bên khác khai thác |
Danh sách 7 doanh nghiệp trên sau đó được Chính phủ điểm tên tại báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 gửi Quốc hội, trong đó dư luận đặc biệt quan tâm đến Công ty TNHH Đầu tư công trình và Thương mại Hoàng Phát (viết tắt là Công ty Hoàng Phát), một doanh nghiệp xây dựng lớn đang đóng chân tại thành phố Cảng.
Xuất thân bất ngờ của thủ lĩnh Công ty Hoàng Phát
Được biết, Công ty Hoàng Phát thành lập vào tháng 12/2005, có trụ sở chính tại đường Đinh Tiên Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.
Đây cũng là nơi thường trú của ông Phan Mạnh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Phát, sinh năm 1972 nguyên quán Hải Phòng. Hiện, người dân cả nước không khỏi tò mò về kết quả vụ việc "chuyển nhượng chui" dự án khai thác khoáng sản tại Công ty Hoàng Phát, mà song song với đó, danh tính của ông chủ doanh nghiệp cũng gây nhiều chú ý cho dư luận.
Hình ảnh hiếm hoi của ông Phan Mạnh Dũng trên truyền thông đại chúng. Nguồn: CPH. |
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, năm 20 tuổi, ông Phan Mạnh Dũng đã khởi phát sự nghiệp kinh doanh của mình từ vị trí nhân viên kế toán của Công ty Phục vụ mai táng - tiền thân của Công ty TNHH MTV Phục vụ mai táng, doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP. Hải Phòng.
Ông Phan Mạnh Dũng phụ trách phần việc kế toán tại đây đến 14 năm (từ tháng 11/1991 - tháng 12/2005), sau đó bất ngờ chuyển sang làm Phó giám đốc Công ty Xây dựng và Đầu tư Bạch Đằng 6, đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, một ông lớn xây dựng hàng đầu Hải Phòng.
Năm 2010, ông chuyển sang làm lãnh đạo chủ chốt tại Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Hoàng Phát, là bước ngoặt lớn trên con đường phát triển cơ nghiệp thành công của ông ngày hôm nay. Cũng từ đó, ông Phan Mạnh Dũng gắn liền tên tuổi với sự phát triển của thương hiệu Hoàng Phát Hải Phòng.
Năm 2015, ông Dũng chính thức nắm giữ cương vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư công trình và Thương mại Hoàng Phát, như nêu phía trên, là doanh nghiệp đã và đang trong "tầm ngắm" của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Thực chất, vốn những doanh nghiệp trong "họ" Hoàng Phát tại Hải Phòng khi ấy đã đều thuộc sở hữu của gia đình ông. Đơn cử tại Công ty Hoàng Phát, chủ cũ trước thời ông Phan Mạnh Dũng không phải người xa lạ, chính là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1974), nữ doanh nhân có chung địa chỉ cư trú với ông. Bà Hạnh là nhân sự gắn bó khá lâu với Ngân hàng ACB, nguồn tin của Báo Công Thương cho biết.
Được thế chỗ bởi ông Dũng, Công ty Hoàng Phát nghiêm túc phất lên với số vốn điều lệ tăng lần lượt từ 1,5 tỷ đồng lên 6,5 tỷ đồng (tháng 1/2015), gần 13 tỷ đồng (tháng 8/2015), hơn 20,4 tỷ đồng (tháng 2/2020). Cá biệt tháng 12/2021, doanh nghiệp hạ vốn đăng ký xuống còn hơn 16,4 tỷ đồng, chấm dứt mạch tăng vốn ròng rã suốt nhiều năm.
Đại bản doanh mai táng Hải Phòng - CPH
Thành công của Công ty Hoàng Phát không chỉ đến từ sự cố gắng và nỗ lực của bộ đôi doanh nhân Phan Mạnh Dũng, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, mà sẽ thiếu sót nếu không nói về đóng góp của những người đồng hành thầm lặng như: ông Nguyễn Hồng Quân, ông Lê Việt Anh...
Trong đó, nữ doanh nhân đại diện mối liên kết mật thiết giữa Công ty Hoàng Phát và Công ty Cổ phần Mai táng Hải Phòng (doanh nghiệp đang giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán CPH) - phiên bản sau cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Phục vụ mai táng, nơi ông Phan Mạnh Dũng đã cống hiến cả 14 năm thanh xuân cho phòng kế toán doanh nghiệp.
Năm 2016, doanh nghiệp hoàn tất cổ phần hóa và đổi tên như hiện tại; năm 2017 được chấp thuận lên sàn chứng khoán UPCoM. Công ty Hoàng Phát cũng là cổ đông lớn thứ hai đang giữ 10% vốn điều lệ, chỉ thua UBND TP. Hải Phòng về tỷ lệ sở hữu tại CPH - với 64,5%.
Sau cổ phần hóa, UBND TP. Hải Phòng vẫn giữ 64,5% vốn điều lệ CPH |
Điều lệ của CPH đã quy định rõ, chẳng hạn theo Điều 40, ban lãnh đạo CPH phải công khai các lợi ích liên quan, bao gồm thông tin chính của doanh nghiệp mà những người có liên quan của ban lãnh đạo sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp trên 25% vốn điều lệ.
Ông Phan Mạnh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Phát cùng bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (người có liên quan) đều duy trì mức tỷ lệ chi phối tại Công ty Hoàng Phát từ năm 2015 đến nay. Trong khi đó, cùng khung thời gian, ông Dũng còn là Thành viên HĐQT CPH từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa, đăng ký đại chúng.
Tham chiếu các dữ liệu trên, đồng thời quan sát toàn bộ các báo cáo công khai của CPH trước giờ đều không khi nào nhắc đến mối quan hệ liên quan của các cá nhân tại CPH với Công ty Hoàng Phát!? Phải chăng, đây là sự nhầm lẫn vô tình kéo dài nhiều năm, hay là nhầm lẫn có chủ đích vì lý do khác?
Cần biết, CPH là doanh nghiệp hiếm hoi trên địa bàn TP. Hải Phòng cung cấp dịch vụ tang lễ, hỏa táng, quản lý chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang Ninh Hải và Nghĩa trang Phi Liệt. Doanh thu của CPH mỗi năm ghi nhận trên 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 10 tỷ đồng, đồng thời, là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng và phát triển hoạt động một cách dễ dàng.
Trong khi đó, Công ty Hoàng Phát mỗi năm chỉ ghi nhận khoảng vài chục tỷ đồng, với biên độ trồi sụt khá lớn. Cụ thể, các năm 2018 - 2022 lần lượt đạt 23,9 tỷ đồng, 23 tỷ đồng, 28 tỷ đồng, 40,4 tỷ đồng và 27 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp có lãi từ 22 triệu đồng đến 170 triệu đồng/năm, cho thấy hiệu suất kinh doanh quá thấp, dựa theo số liệu báo cáo lên cơ quan quản lý nhà nước.
Với kết quả kinh doanh có sự chênh lệch lớn, không lấy gì làm khó hiểu nếu nhóm Thành viên HĐQT Phan Mạnh Dũng có thể sẵn sàng chờ đợi từng ngày Nhà nước thực hiện thoái vốn khỏi CPH, theo như Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, toàn bộ 64,5% vốn điều lệ (tương đương 28,4 tỷ đồng) trên tổng số vốn điều lệ 44 tỷ đồng của CPH sẽ được UBND TP. Hải Phòng chào bán công khai trong thời gian tới, đem đến cơ hội tăng tỷ trọng quý giá cho nhóm ông Phan Mạnh Dũng.
Điều gây băn khoăn lớn nhất cho giới đầu tư, đó là từ khi lên UPCoM vào tháng 2/2017 đến nay, cổ phiếu CPH không hề ghi nhận giao dịch. Thị giá cứ ngày càng rơi rụng dần, từ 8.300 đồng xuống còn 300 đồng/cổ phiếu. Thông thường, giá thị trường là căn cứ xác đáng để xây dựng kế hoạch, phương án thoái vốn nhà nước, liên quan đến những bước như tư vấn và thẩm định giá cổ phiếu.