Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường: Đong đếm lợi ích - thiệt hại
Cân nhắc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường Doanh nghiệp ngành đồ uống mong được tháo gỡ các khó khăn Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường trên 5g/100ml |
Đánh thuế nước giải khát, nên hay không?
Trong dự thảo mới nhất Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, với mức thuế suất là 10%. Và điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Với ý kiến ủng hộ, việc áp thuế sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm khác, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Việc này sẽ giảm áp lực cho hệ thống y tế, bệnh viện.
Đối với ý kiến phản đối dựa theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tác động kinh tế - xã hội của thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất 10%, nền kinh tế sẽ phải gánh chịu thiệt hại lên tới 880,4 tỷ đồng.
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường cần được đánh giá tác động một cách toàn diện hơn. Ảnh: heart.org |
Như vậy, theo nghiên cứu này, mặc dù việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 0% lên 10% sẽ góp phần làm tăng thu ngân sách trên 2.279 tỷ đồng, nhưng những ảnh hưởng do việc sụt giảm sản lượng lại lên tới hơn 3.159 tỷ đồng, và do đó, tổng thể sẽ làm thiệt hại khoảng 880,4 tỷ đồng.
Do vậy, các chuyên gia của CIEM cho rằng, việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ tạo gánh nặng và thậm chí có thể làm kiệt quệ hơn sự khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, các chỉ số kinh tế đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quy định này, bao gồm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, thu nhập người lao động, thặng dư sản xuất, số lượng lao động…
“Bất kỳ chính sách nào cũng có tác động tới kinh tế - xã hội nhất định, do đó, cần phải đánh giá đầy đủ các tác động chính sách. Công cụ chính sách không nên tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), cho biết.
Trả lời cho câu hỏi việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt liệu có làm giảm được việc tiêu thụ đồ uống có đường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu: “Về quan điểm, tôi ủng hộ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hàng năm gánh nặng bệnh tật đối với người Việt dồn vào bệnh không lây nhiễm chiếm đến trên 70%. Nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm có một phần lớn là do lối sống, do dinh dưỡng không hợp lý, vận động không hợp lý. Dinh dưỡng không hợp lý bao gồm lạm dụng đồ uống có đường, đồ uống có cồn".
Cần đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế
Bộ Tài chính khi đề xuất việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã cho rằng, việc này sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, ngay cả vấn đề này cũng đang gây nhiều tranh cãi. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, điều này chưa đủ sức thuyết phục. Và một trong những lý lẽ được đưa ra là, không có đủ bằng chứng khoa học cho thấy nước giải khát là nguyên nhân trực tiếp gây thừa cân, béo phì.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia dinh dưỡng, những lý do chính gây ra thừa cân, béo phì bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao), thiếu vận động thể chất, do di truyền hoặc nội tiết...
Một báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng đã chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%), nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).
Trong nghiên cứu của mình, CIEM cũng chỉ rõ, thừa cân, béo phì không có một yếu tố chính hay duy nhất cấu thành, mà do nhiều yếu tố, như khẩu phần ăn không cân bằng, lối sống ít vận động, do yếu tố văn hóa và các yếu tố khác, như nhân chủng học, gene, khí hậu... Bởi thế, thực tế, nước giải khát chỉ là một thành phần chứ không phải là yếu tố chính hay duy nhất gây nên thừa cân, béo phì.
Với những lý do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, nước giải khát chỉ là một phần trong chế độ ăn uống, lối sống. Áp thuế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng thu nhập thấp, hạn chế quyền lựa chọn của họ.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam khi chia sẻ tại Hội thảo khoa học về các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam cũng chỉ ra: “Nếu đánh thuế đối với mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác, mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm”.
“Công cụ thuế trong trường hợp này khó mà thay đổi hành vi người tiêu dùng, thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho các hàng hoá buôn lậu, các thực phẩm đường phố không được kiểm soát về chất lượng”, ông Phụng nói.
Vì vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường là một vấn đề phức tạp với nhiều ý kiến trái chiều, cần có thêm nghiên cứu và thảo luận để đưa ra quyết định phù hợp, đảm bảo cân bằng lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế.