Cân nhắc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước Có nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online? |
Gây tác động đa chiều lên nền kinh tế
Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ngành nước giải khát có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020 cả nước có 1800 cơ sở sản xuất, cung cấp việc làm cho 300.000 lao động và cung cấp việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động. Từ năm 2015 tới nay, ngành đồ uống chiếm 4,5% tỷ trọng nhóm ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Đại diện CIEM cũng cho hay: Bộ Tài chính đã đề xuất chính sách thuế mới đối với nước giải khát có đường, trong đó thuế giá trị gia tăng tăng từ 10% - 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt áp mới 10%. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn. Thuế này nhằm mục tiêu: Hội nhập quốc tế về chính sách, tăng thu ngân sách và điều chỉnh hành vi tiêu dùng theo hướng có lợi có sức khoẻ.
Cân nhắc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của CIEM, việc áp trách nhiệm thuế tiêu thụ đặc biệt lên ngành nước giải khát sẽ gây tác động đa chiều lên nền kinh tế. Ở cấp độ vĩ mô, các chỉ số kinh tế đều bị ảnh hưởng tiêu cực: Tổng giá trị tăng thêm nền kinh tế giảm 0,135%; GDP giảm 0,115%; thu nhập người lao động giảm 0,155%; thặng dư sản xuất giảm 0,083%; lao động giảm 0,092%.
Ở cấp độ vi mô, chuỗi giá trị theo chiều dọc sẽ bị ảnh hưởng xuyên suốt do thị trường được dẫn dắt bởi số ít doanh nghiệp lớn, đa số là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh, tồn tại. Cùng đó, ảnh hưởng tới kế sinh nhai của hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía.
Mặt khác, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường sẽ khiến đa số doanh nghiệp phải tăng giá bán để chia sẻ gánh nặng thuế với người tiêu dùng; lợi nhuận giảm và có thể gây sức ép ngược lại về lợi nhuận và chi phí đối với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất; thay vì sản xuất trong nước có thể nhập khẩu; tăng nguy cơ buôn lậu do chênh lệch giá là khoảng 6%.
“Đáng nói, 2 mục tiêu lớn nhất là tăng thu ngân sách và điều chỉnh hành vi tiêu dùng của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có thể không đạt khi ngân sách Nhà nước có thể hụt thu 880,4 tỷ đồng và chưa có nghiên cứu nào khẳng định nước giải khát là yếu tố chính hay duy nhất gây nên tình trạng thừa cân béo phì”, bà Nguyễn Minh Thảo nói.
Cân nhắc việc áp dụng thuế
Từ thực tiễn nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, thông tin: Hiện chỉ có khoảng 45 quốc gia (chưa đến ¼ các nước trên thế giới) áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, kinh nghiệm ở một số quốc gia cho thấy việc áp dụng thuế này đối với nước giải khát có đường đã không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.
“Một số nước đã bãi bỏ chính sách thuế này như Đan Mạch, Nauy vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người dùng trong khi gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội. Các chính phủ tuyên bố bãi bỏ thuế này nhằm tạo việc làm và giúp đỡ nền kinh tế địa phương”, ông Thành cho hay.
Ông Vũ Tú Thành cũng cho rằng: Cần cân nhắc việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường vì tính hiệu quả của chính sách thuế này sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đặc thù của Việt Nam.
Cụ thể, về phân khúc của thị trường đồ uống, ở Việt Nam, ngoài nhóm đồ uống công nghiệp còn có sự tồn tại phổ biến của nhóm đồ uống đường phố. Đây là phân khúc khó khả thi để thu thuế và quản lý về chất lượng hàng hoá, đặc biệt là về hàm lượng đường trong sản phẩm. Tại Việt Nam, nhu cầu giải khát của người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp là rất lớn, vì vậy nếu như không tiêu thụ các loại đồ uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp có hóa đơn thuế thì người tiêu dùng có thể sẽ tìm cách tiêu thụ đồ uống được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu có thể có giá thành rẻ hơn.
Tác động lên hành vi của người tiêu dùng, theo khảo sát của Decision Lab chỉ 25% người tiêu dùng đồng ý rằng việc tăng thuế đối với nước đóng chai/lon/hộp có đường sẽ khiến họ giảm tiêu thụ đường để cải thiện sức khỏe. Đặc biệt ở Việt Nam 55% người tiêu dùng có thu nhập thấp sử dụng nước uống đóng chai/lon/hộp để bổ sung năng lượng cho các hoạt động thể chất và thể thao. Việc tăng giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất nói riêng và cuộc sống nói chung của người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Về nhóm hàng hoá thay thế, có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường. Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất nên nếu đánh thuế là các sản phẩm này thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường và calo với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác.
Đặc biệt, tác động tổng thể lên sự phục hồi và phát triển kinh tế rất đáng xem xét.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện CIEM khuyến nghị: Cân nhắc việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Thay vào đó, tận dụng các công cụ chính sách khác, như: Xây dựng và đưa ra các khuyến cáo về dinh dưỡng; yêu cầu dán nhãn phân loại sản phẩm theo lượng đường; xây dựng các chính sách phổ cập thông tin, giáo dục cộng đồng về nếp sống lành mạnh.