Doanh nghiệp ngành đồ uống mong được tháo gỡ các khó khăn
Các kiến nghị này của doanh nghiệp ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát được được đưa ra tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) diễn ra ngày 15/3/2024 tại Hà Nội.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới... Các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đến nay, ngành đã và đang ghi nhận sự giảm sụt mạnh từ doanh thu, lợi nhuận giảm khá cao từ 15-20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30-40%.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Lộc |
Mặc dù các doanh nghiệp trong ngành vẫn luôn xác định, nêu cao tinh thần vượt khó, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Chính phủ, đã cố gắng vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để phục hồi và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những khó khăn ấy vẫn đang hiện hữu và tác động mạnh đến ngành. Các doanh nghiệp sẽ khó tìm được cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại như giai đoạn trước nếu không có những chính sách, giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá của Quốc hội, Chính phủ để giải quyết được căn cơ những khó khăn ấy, tạo động lực để doanh nghiệp phục hồi với giải pháp trước mắt là cần khoan thư sức doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết, CIEM đã có báo cáo đánh giá định lượng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn. Đại diện CIEM kiến nghị, cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, Chính phủ nên lùi thời hạn hoặc có lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, trong khi có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ.
Còn ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng bộ phận đối ngoại Công ty Heineken Việt Nam nhìn nhận, tình hình kinh tế năm 2024 dự đoán sẽ còn tiếp tục khó khăn, do vậy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thời điểm này chưa phù hợp, dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề không chỉ với doanh nghiệp sản xuất, mà với cả chuỗi cung ứng, người tiêu dùng.
Đại diện Heineken Việt Nam cho biết, chính sách thuế tương đối hiện tại chưa tạo động lực bứt phá cho các doanh nghiệp đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất để có thể đạt được những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao, bảo đảm sức khỏe người dùng. Trong khi, với xu thế phát triển của quốc tế, các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, cuộc sống an toàn, môi trường xanh, bền vững... đang được tất cả các quốc gia trên thế giới chú trọng.
Trong suốt những năm vừa qua, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt dẫn đến tăng giá sản phẩm bia rõ ràng chưa phải là công cụ hiệu quả giúp điều tiết tiêu dùng sản phẩm bia. Hiện tại, người dân cũng đang dần hạn chế tiêu dùng các mặt hàng đồ uống, do kinh tế khó khăn và nhận thức phải uống có chừng mực (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất không ngừng sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, nhằm thúc đẩy hành vi tiêu dùng an toàn hơn, chừng mực hơn đối với sản phẩm đồ uống có cồn.
“Về lâu dài, với sự phát triển và nâng cao nhận thức của cộng đồng, ngành bia cần được khuyến khích tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới, cải tiến chất lượng cao và lý tưởng nhất là có độ cồn thấp. Đó là lý do tại sao Việt Nam với tư cách là một thị trường đang phát triển, nên bắt đầu xem xét một chế độ thuế chiến lược đối với rượu bia nhằm khuyến khích các hành vi uống rượu đúng đắn và cân bằng sức khỏe với nguồn thu ngân sách nhà nước”, đại diện Heineken Việt Nam đề xuất.
Còn ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch VBA bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành lưu tâm, xem xét, cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế.
“Các chính sách ban hành cần phải kèm theo các giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để thực hiện được tốt, hiệu quả giúp các chính sách pháp luật có thể đi vào cuộc sống. Xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại”, ông Hưng nói.