Đak Pơ (Gia Lai): Thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào vùng cao
Quảng Trị: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao từ cây trẩu Thanh Hóa: Đồng bào vùng cao phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa |
Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp được huyện Đak Pơ chú trọng, hướng tới mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất, trồng trọt của đồng bào thông qua những hoạt động cụ thể như: Hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; chi tiêu tiết kiệm, có tích lũy…
Chuyển đổi giống lúa chất lượng cao giúp tăng năng suất, sản lượng và thu nhập cho đồng bào (Ảnh: Minh Nguyễn) |
Thời gian qua, nhiều dự án đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào. Đơn cử tại xã Yang Bắc – xã có hơn 90% là đồng bào dân tộc Banah sinh sống đã triển khai một số dự án nhằm hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, góp phần từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Vụ mùa năm nay, 54 hộ đồng bào Bahnar ở làng Jun, xã Yang Bắc được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ vận động tham gia chương trình sản xuất giống lúa mới BĐR27 chất lượng cao thay thế giống lúa sản xuất lâu nay. Các cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã đến từng hộ gia đình để phổ biến, hướng dẫn phương pháp thâm canh giống lúa mới. Trước khi chuẩn bị gieo sạ, các hộ tham gia chương trình được tập huấn phương pháp mới từ khâu làm đất, bón lót vôi, ủ giống đến sử dụng các loại phân theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ cho biết, chương trình hỗ trợ sản xuất lúa giống mới BĐR27 được đơn vị triển khai trên địa bàn các xã: Tân An, Hà Tam, Yang Bắc và Ya Hội với quy mô hơn 215 ha. Giống lúa BĐR27 có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất bình quân đạt 7 - 7,5 tấn/ha, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, chống chịu cao với thời tiết khắc nghiệt.
Cùng với chương trình hỗ trợ phát triển giống lúa mới, huyện Đak Pơ còn triển khai chương trình hỗ trợ lai cải tạo đàn bò vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn 5 xã: An Thành, Yang Bắc, Ya Hội, Phú An và Hà Tam. Theo đó, 18 hộ tham gia dự án được cung cấp giống bò lai Zebu và giống cỏ voi VA06. Trước khi nhận bò về nuôi, các hộ đồng bào được hướng dẫn xây dựng chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc sao cho bò mập khỏe, có khả năng phối giống tốt. Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn bà con cách ghi nhật ký phối giống để theo dõi và bổ sung các thức ăn giàu dinh dưỡng.
Các hộ đồng bào tham gia chương trình hỗ trợ lai cải tạo đàn bò (Ảnh: N.M) |
Sau gần 4 năm triển khai dự án, toàn huyện có hơn 1.000 con bê lai giống Zebu ra đời, góp phần tích cực trong cải tạo đàn bò tại địa phương. Hiện đàn bò của huyện Đak Pơ đã lên đến trên 16.000 con, tỷ lệ bò lai chiếm 85,5%. Đặc biệt, tại các xã Yang Bắc, Ya Hội, An Thành, tỷ lệ bò lai tăng dần qua các năm.
Dự án phát triển giống heo đen tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã Yang Bắc, An Thành, Ya Hội được triển khai với 18 hộ dân tham gia từ năm 2021. Huyện hỗ trợ 90 con heo giống với tổng kinh phí hơn 447 triệu đồng. Dự án không chỉ giúp duy trì, phát triển giống heo bản địa mà còn góp phần trao “cần câu” để các hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Được hỗ trợ con giống, các hộ gia đình đã đầu tư làm chuồng và nuôi nhốt chứ không thả rông như trước. Bà con cũng tận dụng thức ăn sẵn có trong vườn nhà như chuối cây, các loại rau củ… để tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm tăng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một trong những mô hình chăn nuôi cho giá trị cao tại Đak Pơ là mô hình nuôi gà đen của người Mông (di cư từ Cao Bằng vào làm kinh tế mới) tại làng Mông, xã Ya Hội. Đây là mô hình dễ thực hiện bởi gà đen thích hợp với môi trường tự nhiên, do đó khi đưa vào rẫy, đàn gà thích ứng và sinh sản, phát triển tốt. Mô hình đã mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Có thể thấy, nhờ phát huy tốt các nguồn lực chính sách, xây dựng thành công các mô hình cây trồng, vật nuôi thế mạnh, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số huyện vùng cao Đak Pơ đã được nâng cao. |