Đắk Lắk: Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số
Với tên gọi “Vươn mình”, dự án thông qua việc kết nối đồng bào dân tộc thiểu số với tư liệu sản xuất và nguồn lực cần thiết nhằm giúp họ cải thiện sinh kế một cách bền vững. Dự án sẽ được triển khai từ nay cho đến hết tháng 8/2024 với đối tượng ưu tiên là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự án giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin khẳng định mình |
Dự án đặt ra 3 mục tiêu: Thứ nhất, dự án sẽ tổ chức người tham gia thực hành mô hình vừa học vừa làm từ sản xuất tới thị trường, tiến hành đào tạo, huấn luyện kỹ thuật và bồi dưỡng khả năng kinh doanh cho họ. Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh nhỏ cũng sẽ được lựa chọn để tiếp nhận vốn mồi nhằm mở rộng sản xuất cũng như tiếp nhận đào tạo và hỗ trợ nâng cao.
Thứ hai là cải thiện năng lực tiếp cận nguồn vốn và quản lý tài chính cho phụ nữ nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc phát triển các quỹ tiết kiệm và tín dụng tại thôn bản cũng như đào tạo, hướng dẫn nông dân cách quản lý tài chính. Dự án này cũng sẽ giới thiệu nông dân và cơ sở kinh doanh tiếp cận các định chế tài chính uy tín, hỗ trợ họ vay vốn để mở rộng đầu tư sản xuất.
Thứ ba là nhằm hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đầu vào và đầu ra cho nông hộ thông qua việc cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân và tạo điều kiện thuận lợi cho họ mua/bán/tiếp thị tập thể. Qua đó, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho các nhóm sản xuất để người tham gia có thể tiếp thị và bán sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử và kênh kỹ thuật số khác.
Dự án nhằm kết nối và cải thiện sinh kế cho đồng bào |
Khu vực Tây Nguyên có đặc trưng riêng là phụ nữ là người chủ của gia đình, do đó việc hỗ trợ phát triển cho phụ nữ chính là hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình của họ. Bên cạnh đó, thị xã Vân Hồ có nhiều đông bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, canh tác, do vậy việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi rất cần thiết đối với người dân ở đây.
Chia sẻ về dự án, bà Michelle Grogg - Phó Chủ tịch phụ trách Trách nhiệm Doanh nghiệp kiêm Giám đốc Điều hành Quỹ Cargill cho biết, đây là một chương trình cộng đồng hết sức quan trọng đối với Cargill, phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ của Cargill trong việc tạo dựng các chuỗi cung ứng bền vững và có khả năng phục hồi. Chung vai sát cánh với người nông dân, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk, Cargill có thể triển khai những chương trình cộng đồng phù hợp đặc điểm mỗi vùng, nhằm kết nối người nông dân với thị trường tiêu thụ và cải thiện sinh kế của họ.
Được biết, Cargill và CARE đã có bề dày hợp tác hơn 60 năm trên toàn cầu, luôn tập trung vào cách tiếp cận dài hạn và bền vững để giải quyết những thách thức mà thế giới đang đối mặt như: Năng suất nông sản thấp, tình trạng dinh dưỡng kém, khó tiếp cận thị trường và hạn chế về cơ hội kinh tế. Tiếp nối truyền thống hợp tác giữa hai bên, với 32 dự án đã được thực hiện thành công trên 13 quốc gia, giúp cải thiện sinh kế của hơn 3,3 triệu người dân, “Vươn mình” là dự án đầu tiên do Cargill và CARE phối hợp triển khai tại Việt Nam.
Dự án “Vươn mình” sẽ hỗ trợ khoảng 15.000 người nông dân ở tỉnh Đắk Lắk, chủ yếu là phụ nữ và người dân tộc thiểu số, cải thiện sinh kế một cách bền vững… Việc hỗ trợ người nông dân, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk cho thấy Cargill có thể triển khai những chương trình cộng đồng phù hợp với đặc điểm mỗi vùng nhằm kết nối người nông dân với thị trường tiêu thụ và cải thiện sinh kế của họ. Dự án “Vươn mình” không chỉ giúp bồi dưỡng năng lực cho nông dân mà còn đề cao tiếng nói của phụ nữ; giúp họ thăng tiến, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong các quyết định liên quan.