Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An gấp rút triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng đầu tư còn hạn chế Gỡ vướng dự án nhà ở xã hội: Doanh nghiệp địa ốc kiến nghị gì? Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng "ế" và hàng loạt đề xuất mới |
Theo đó, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, trong năm 2024, Đà Nẵng sẽ tập trung đôn đốc tiến độ triển khai 5 dự án nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành 2.750 căn hộ. Đồng thời, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án để khởi công trong năm 2024; hoàn thành công tác lựa chọn chủ đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để kêu gọi đầu tư 2-3 dự án mới trong giai đoạn 2024-2025.
Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành xây mới 2.750 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Cụ thể, thành phố đang triển khai xây dựng 5 dự án với tổng cộng 2.750 căn, gồm: khối nhà C thuộc KCC thu nhập thấp tại khu tái định cư Đại Địa Bảo; 2 khối nhà A, B thuộc KCC thu nhập thấp An Trung 2; khối nhà B2 thuộc KCC nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Hòa Khánh; KCC nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside; KCC cho gia đình người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên.
Đặc biệt, Đà Nẵng còn chuyển đổi công năng 2 ký túc xã sinh viên sang nhà ở xã hội, dự án cải tạo, sửa chữa nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm với 813 căn hộ từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, thành phố đang thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội (dự án tại khu đất B4-1, B4-2 thuộc khu tái định cư Hòa Hiệp 4; 2 KCC tại khu đất chung cư số 3 và số 5 thuộc khu B, khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ) với tổng cộng 3.519 căn hộ từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang giới thiệu để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở cho công nhân, người lao động với 732 căn hộ...
Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh này tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành khoảng 10.000 căn nhà nhà ở xã hội. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 12 dự án, quy mô khoảng 20.700 căn hộ. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án, quy mô khoảng 9.000 căn hộ.
Dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai). Ảnh: TTXVN/Công Phong |
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Đồng Nai sẽ khởi công xây dựng 5 dự án đã có chủ trương đầu tư và hoàn thành hơn 710 căn nhà ở xã hội. Năm 2025, tỉnh sẽ khởi công 7 dự án còn lại và hoàn thành gần 980 căn nhà.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng ra sức hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao đến năm 2030. Ông Nguyễn Văn Trang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An chia sẻ, trên địa bàn tỉnh hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư. Theo quy hoạch đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 51 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch gần 13.000 ha.
Nếu như hiện nay, số lượng lao động trong các khu công nghiệp là khoảng 212.000 người thì dự kiến đến năm 2030, số người sẽ tăng lên khoảng 305.000 công nhân, lao động. Phần lớn công nhân, lao động nhập cư từ các địa phương khác và chưa có nhà ở nên nhu cầu về nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp rất lớn.
Nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, đặc biệt rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho các dự án nhà ở xã hội.
Trước đó, địa phương này được Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030 là hoàn thành 71.250 căn. Đến nay, đã có 7 dự án đi vào hoạt động với tổng diện tích sàn hoàn thành gần 77.000 m2 với 1.884 căn, đáp ứng cho khoảng 8.000 người, tập trung chủ yếu tại các huyên Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức.
Hiện, tỉnh có 19 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với quy mô hơn 17.000 căn, gồm 4 dự án nhà ở xã hội độc lập và 15 dự án trong quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Để mời gọi nhà đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, địa phương đang rà soát, quy hoạch các vị trí phù hợp. Từ đó, đảm bảo chỉ tiêu được giao, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân.
Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trước đó, tại cuộc họp gỡ rối các dự án nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ kết hợp các Bộ ngành liên quan diễn ra ngày 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước.
Dẫu vậy, điểm khác biệt nằm ở cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán. Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương cần gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn và tuân thủ pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
"Và điều quan trọng nhất là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách, luật pháp", Thủ tướng nêu rõ.