Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng "ế" và hàng loạt đề xuất mới
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Tại Hội nghị về phát triển nhà ở diễn ra cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, “an cư mới lạc nghiệp”, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
Đặc biệt, nhà ở cho công nhân vừa là trụ cột chính sách an sinh xã hội, vừa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và mục tiêu trước mắt là hoàn thành “130.000 căn hộ” trong năm 2024.
Vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ đồng "ế"?
Giải thích cho vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết nguyên nhân từ việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay đã có 127 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 61 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, một số chủ dự án đầu tư nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Từ góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, nhà ở thì vay trung dài hạn, và phần giải ngân sẽ theo từng năm. Đây là những khoản vay 10 năm, 20 năm, 30 năm thì rõ ràng giải ngân được ít là điều dễ hiểu.
Còn nhu cầu vay của các doanh nghiệp để xây dựng nhà ở thu nhập thấp, như ý kiến của nhiều đại biểu, đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư, giá đất, giao đất, hạ tầng xung quanh… Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là chương trình 10 năm và chúng ta mới thực hiện được 1 năm nên giải ngân ít, chậm.
Bên cạnh đó, nhu cầu vay của người dân còn thấp vì sau đại dịch Covid-19, người dân gặp nhiều khó khăn, nên đi vay để mua nhà còn hạn chế.
Trong khuôn khổ hội nghị, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia thẳng thắn chỉ ra lãi suất ưu đãi với doanh nghiệp là 8% hiện đã lạc hậu. Năm vừa qua NHNN giảm lãi suất 4 lần. Hiện nay ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay 20 năm mua nhà với lãi suất 6,9%, thấp hơn nhiều mức lãi suất ưu đãi.
Chính các yếu tố đó nên đến giờ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm, không như mong đợi.
Giải pháp để đạt được 130.000 căn hộ năm 2024
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, giải quyết vướng mắt về việc giải ngân gói tín dụng và vấn đề nhà ở cho người lao động xã hội, phía Bộ Xây dựng, doanh nghiệp và các chuyên gia tích cực đưa ra các giải pháp.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân phát biểu tại Hội nghị |
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân đánh giá gói 120.000 tỷ đồng rất tốt, rất nhân văn nhưng cần giải quyết nhiều vấn đề.
Một trong những vấn đề ông băn khoăn là tại sao gói này không áp dụng cho tất cả những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành. Trước đây, chúng ta có gói 30.000 tỷ đồng nhưng sau đó đã dừng, nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng.
Vì vậy, ông kiến nghị gói 120.000 tỷ đồng này dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.
Ngoài ra, ông Tuấn mong NHNN đồng bộ thời gian vay của cả chủ đầu tư và khách hàng (thời hạn vay kéo dài 5 năm).
Xa hơn nữa là việc hoàn thành Đề án triển khai 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì vậy, Bộ Xây dựng cũng đề xuất các giải pháp.
Đối với các bộ, ngành, tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội…
Đồng thời, NHNN xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Xây dựng bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước từ nguồn đầu tư công cho Ngân hàng Chính sách Việt Nam để cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.
TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Với mục đích hiến kế giải quyết vấn đề, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tha thiết mong muốn đơn giản hóa tối đa điều kiện cho vay đối với nhóm các doanh nghiệp đầu tư.
Bởi vì, dự án phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt thì đương nhiên được cho vay không cần xem các điều kiện nào khác nữa, cho vay theo lộ trình của dự án mà không sợ nguồn vốn đó thất thoát.
Ngoài ra, ông bày tỏ việc hỗ trợ lãi suất thấp hơn 1,5-2% không có nhiều ý nghĩa. Thay vào đó cần phải cam kết mức lãi suất cụ thể là bao nhiều, ví dụ cam kết lãi suất cho vay 7-8% để doanh nghiệp chủ động.
Để chương trình hiệu quả, cần sử dụng thêm ngân sách. Với gói chính sách 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 sang chương trình hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp và tăng thời hạn vay với các dự án này, đủ chu kỳ để doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn.