Đa Krông (Quảng Trị): Xây dựng chuối lùn Tà Rụt thành sản phẩm chủ lực
Quảng Trị: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao từ cây trẩu Quảng Trị: Tập trung triển khai các dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đa Krông đã khuyến khích người dân phát triển các vùng trồng chuối lùn bản địa theo hướng thâm canh tập trung, tạo vùng nguyên liệu tại các xã: Tà Rụt, A Bung, A Ngo và A Vao. Trong đó, Tổ liên kết trồng chuối lùn của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Tà Rụt là mô hình được đánh giá cao về mặt kinh tế cũng như phát huy được hiệu quả của hình thức liên kết.
Mô hình phục hồi giống chuối lùn bản địa tại xã Tà Rụt, huyện Đa Krông (Ảnh: Huyền Trang) |
Xã Tà Rụt có giống chuối bản địa rất quý. Giống chuối này có ưu điểm là khi chín rất dẻo, thơm, ruột vàng, vị ngọt đậm, chắc quả, vỏ dày. Không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng trên thị trường hoa quả, quả chuối lùn còn được sử dụng trong công nghệ sản xuất bánh kẹo, mứt tết, đem lại giá trị cao. Tuy nhiên, thời gian qua, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đầu ra không ổn định, thường bị tư thương ép giá.
Nhằm khôi phục lại các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, một nhóm gồm 15 chị em phụ nữ người Vân Kiều ở xã Tà Rụt đã cùng nhau xây dựng ý tưởng “Phục hồi giống chuối lùn bản địa” để tham gia cuộc thi “Chứng minh ý tưởng” lần thứ 3 với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Ý tưởng được triển khai tổ chức thực hiện năm 2019, bắt đầu từ việc thành lập Tổ hợp tác trồng chuối lùn với sự tham gia của 15 thành viên, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo người đồng bào DTTS.
Cũng trong năm 2019, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã đề xuất và được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phê duyệt kế hoạch xây dựng mô hình "Tổ hợp tác trồng chuối lùn" tại xã Tà Rụt. Tổ hợp tác được hỗ trợ kinh phí 236 triệu đồng để phát triển mô hình.
Sau gần 4 năm thực hiện theo mô hình tổ hợp tác liên kết, đến nay tổ hợp tác đã có hơn 40 thành viên trồng chuối lùn. Mô hình đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho phụ nữ và người dân địa phương, khôi phục giống chuối lùn bản địa đã dần bị lai tạo bởi các giống chuối khác. Để nhân rộng giống chuối bản địa cho các mô hình khác, bước đầu tổ hợp tác đã cung cấp cây chuối giống cho mô hình Tổ hợp tác trồng chuối lùn ở xã Tà Long, xã A Vao...
Chuối lùn Tà Rụt được bày bán ở siêu thị Co.op Mart thành phố Đông Hà (Ảnh: Huyền Trang) |
Năm nay, theo kế hoạch phân bổ vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Tổ Liên kết trồng chuối lùn Tà Rụt được hỗ trợ 568 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án 3 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị". Hiện địa phương đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt và giải ngân hỗ trợ 568 triệu đồng (tương đương 95 triệu đồng/1ha) cho Tổ hợp tác trồng chuối lùn Tà Rụt thông qua các hộ tham gia trồng chuối.
Hiện nay, tổ hợp tác đã có 18 ha, tiếp theo sẽ mở rộng diện tích ở các thôn Tà Rụt 1, Tà Rụt 2, Tà Rụt 3…. Trong quá trình triển khai dự án, cán bộ khuyến nông xã sẽ hướng dẫn đồng bào trồng và chăm sóc cây chuối đúng tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, xã Tà Rụt cũng đang triển khai xây dựng sản phẩm chuối lùn Tà Rụt thành sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là cơ hội để chuối lùn Tà Rụt mở rộng đầu ra, từ đó nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS tham gia tổ liên kết.
Để đồng hành và hỗ trợ Tổ hợp tác trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt, UBND huyện Đa Krông đang đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét trình UBND tỉnh thủ tục cho phép Tổ liên kết trồng chuối lùn xã Tà Rụt sử dụng địa danh “Tà Rụt” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chuối lùn vùng Tà Rụt”. Đồng thời, đề nghị Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nhằm quảng bá sản phẩm đặc sản và tạo thị trường đầu ra ổn định, giúp đồng bào yên tâm, mở rộng diện tích loại cây này.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng liên kết với một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch để tìm thêm đầu ra cho chuối lùn Tà Rụt. Đến nay, sản phẩm chuối lùn Tà Rụt đã được kết nối, đưa vào bày bán ở siêu thị Co.op Mart thành phố Đông Hà.
Không chỉ mang ý nghĩa tạo việc làm, mang lại thu nhập, mô hình Tổ hợp tác trồng chuối lùn tại xã Tà Rụt đã tiếp sức cho khát vọng vươn lên làm chủ kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình của những người phụ nữ dân tộc Vân Kiều.