Quảng Trị: Tập trung triển khai các dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hướng Hóa – Quảng Trị: Đồng bào trồng chuối sạch xuất khẩu Quảng Trị: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao từ cây trẩu |
Tổng vốn đầu tư cho chương trình này trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là trên 192 tỷ đồng. Trong đó, trên 37 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hơn 22,3 tỷ đồng quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; trên 91,4 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; hơn 12,2 tỷ đồng đầu tư phát triển giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gần 26 tỷ đồng bảo tồn phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; trên 3,5 tỷ đồng truyền thông tuyên tuyền vận động trong vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, kiểm tra giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện các dự án.
Lễ phục dựng “Lễ hội Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Vân Kiều (Ảnh: T.H) |
Giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện các dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiều dự án, như: Đầu tư trên 217 tỷ đồng để xây dựng mới trên 3.000 nhà ở cho hộ nghèo, phần lớn tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho 30.400 lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Hiện nay, hầu hết các địa phương ở Quảng Trị đang triển khai các thủ tục giải ngân nguồn vốn đối với Dự án 1 được phân bổ trong kế hoạch năm 2022 và năm 2023. Rà soát, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án 2 về Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, nhà văn hóa thôn, nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, trường tiểu học, hỗ trợ phát triển sản xuất. Tỉnh cũng đã hỗ trợ xong 34 lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế (Ảnh: Nguyên Bảo) |
Thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 9) về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức xong 20 lớp tập huấn, nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông cho nhóm nòng cốt tại cộng đồng thôn bản; tổ chức 10 buổi Tọa đàm giao lưu tìm hiểu kiến thức tại 10 trường học vùng dân tộc thiểu số (Trường Dân tộc nội trú, Dân tộc bán trú); tổ chức 10 Hội thi tại các xã có tỷ lệ số vụ tảo hôn cao; treo 31 tấm pano tuyên truyền song ngữ Việt – Bru Vân Kiều đến 31 xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện Dự án 10, Ban Dân tộc tỉnh cùng các huyện tổ chức 03 hội nghị biểu dương điển hình Người có uy tín, 02 hội nghị cung cấp thông tin về Kế hoạch Chương trình MTQG 1719 và phát huy vai trò Người có tín trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 01 hội nghị bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật; 6 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý, gián 2.200 tờ gấp pháp luật với nội dung trợ giúp pháp kèm theo.
Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Chương trình 1719 ở địa phương, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại các xã, các đơn vị có liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Đến nay, giá trị giải ngân nguồn vốn thuộc chương trình đạt tỷ lệ 30%, trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển đạt tỷ lệ 41,75%, nguồn vốn sự nghiệp đạt tỷ lệ 15,4%.
Mặc dù thời gian chính thức triển khai thực hiện các nội dung của chương trình chỉ mới được hơn 01 năm nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tinh thần quyết tâm cao của cộng đồng, Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả ban đầu, có tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị.
Nổi bật là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng (Dự án 01). Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân (Tiểu dự án 1 - Dự án 3).
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị có hơn 192.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, với gần 95.000 người, phần lớn tập trung ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Số còn lại sinh sống ở một số xã vùng miền núi các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. |