Công nghiệp chế biến vẫn gặp khó, doanh nghiệp giải thể tăng
Hóa giải thách thức, nâng giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng trở lại |
Tuy nhiên, trước những khó khăn chung mà nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đang phải đối mặt đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của hầu hết đơn vị kinh doanh, đặc biệt là nhóm ngành chủ chốt công nghiệp chế biến, chế tạo.
Một số doanh nghiệp tại Đà Nẵng thiếu đơn hàng từ cuối năm 2022 đến nay khiến việc sản xuất gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Minh Khuế |
Doanh nghiệp không có đơn hàng, công nghiệp chế tạo giảm
Cục Thống kê Đà Nẵng vừa có báo cáo về tình hình kinh tế thành phố trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 4.2023 ước tăng 3,7% so với tháng trước, tăng 1,2% so với tháng cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP toàn ngành giảm 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 4,3%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 0,9%. Giảm nhiều nhất là IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,3% so với cùng kỳ, trong đó có một số ngành giảm sâu như: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (-27,1%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (-24,1%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (-20%)...
Tính riêng trong tháng 4.2023, một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành trên tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức làm cho chỉ số IIP sụt giảm khá mạnh. Công ty TNHH Maxtrix Việt Nam, Công ty Cổ phần chế tạo và kết cấu thép Vneco SSM, Công ty Công Ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hưng Đại là những đơn vị trong tháng không có đơn hàng dẫn đến khối lượng sản phẩm dự kiến sản xuất trong tháng so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ sụt giảm khá lớn.
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,2% so với cùng kỳ và đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2019 đến nay.
Nhìn chung, tình hìnhsản xuất công nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn khá chậm. Với đa phần doanh nghiệp thuộc nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế; khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp; hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao... dẫn đến sản phẩm tạo ra có sức cạnh tranh thấp, khó tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp đăng kí mới giảm, giải thể tăng
Nhu cầu tiêu dùng giảm sút, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế là những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Trong tháng 4 (từ ngày 16.3 đến 15.4), Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 428 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với số vốn đăng ký đạt 2.383,3 tỉ đồng, tăng 3,6% về số doanh nghiệp, tăng 40,9% về vốn đăng ký so với tháng 3.2023.
Doanh nghiệp đăng kí mới tại Đà Nẵng giảm, nhiều cơ sở làm ăn kinh doanh không thuận lợi trả mặt bằng. Ảnh: Thùy Trang |
Nhưng so với cùng kỳ năm trước lại giảm 14,6% về số doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng có 126 doanh nghiệp tăng 21,2% so với tháng trước nhưng chỉ bằng 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố có 1.240 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 5.599,4 tỉ đồng, giảm 10% về số doanh nghiệp và giảm 36,6% về số vốn so với cùng kỳ 2022.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, có 214 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng gần 11,5% so với cùng kỳ. 2.448 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện xin tạm ngừng hoạt động, tăng 18,1%. Số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 799 doanh nghiệp, giảm 41,4% so với cùng kỳ 2022.
Tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong 4 tháng là 9.265 hồ sơ, trong đó có 6.726 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỉ lệ 72,6%).
Cục Thống kê Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước, Chính phủ, các cấp, các ngành cần phải có các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.