Cơ chế điện mặt trời mái nhà cần phù hợp cho từng giai đoạn và hài hoà lợi ích
Khuyến khích điện mặt trời mái nhà: Không phục vụ mục đích kinh doanh, mua bán điện Giới chuyên gia phân tích lý do không mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu |
Chia sẻ tại Toạ đàm, bà Nguyễn Phương Mai, Chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo Việt Nam nhận định, thời gian qua ghi nhận tăng trưởng đột phá về năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà.
Trước đây, trong tình huống Việt Nam chưa có nhiều nguồn năng lượng tái tạo, chính sách khuyến khích phát triển thông qua giá FIT (Feed-in Tariffs) hay biểu giá điện hỗ trợ đã tạo động lực lớn và tăng trưởng đột phá cho điện mặt trời. “Điều này không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công”, bà Mai nói.
Điện mặt trời mái nhà góp sức thực hiện mục tiêu sản xuất xanh |
Bà Mai cũng cho rằng, quan điểm của Chính phủ chỉ sử dụng giá FIT trong thời điểm ban đầu để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; chủ trương sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu giúp giảm tải sử dụng điện từ lưới điện quốc gia và tận dụng được tiềm năng năng lượng mặt trời lớn là đúng.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mang lại lợi ích lớn, nhất là với các mái nhà có diện tích lớn. Ở khu vực này, nhà đầu tư có thể cảm nhận sự khác biệt về chi phí khi có nguồn điện tự sản xuất ra và nguồn điện mua từ trên lưới. Khác với điện mái nhà quy mô hộ gia đình, cảm nhận về sự khác biệt sẽ hạn chế hơn.
Theo bà Mai, quy định liên quan đến mua bán điện trực tiếp đang được các cơ quan chức năng xây dựng, khi được ban hành sẽ là động lực thúc đẩy điện mặt trời mái nhà phát triển hơn nữa bởi cho phép nguồn năng lượng này tham gia vào thị trường.
Có thể thấy, năng lượng tái tạo nói chung hay điện mặt trời mái nhà nói riêng đang góp phần rất quan trọng trong mục tiêu dài hạn tăng trưởng xanh và đáp ứng các cam kết giảm phát thải của Việt Nam tại COP 26, COP 27, COP 28. Một trong những nền tảng quan trọng là phải tạo ra cơ chế chính sách phù hợp.
Bà Nguyễn Phương Mai, Chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo |
Với kinh nghiệm tham gia tư vấn cho nhiều dự án năng lượng tái tạo, bà Mai đánh giá tinh thần cầu thị và nỗ lực rất cao của Bộ Công Thương trong công tác xây dựng chính sách phát triển cho năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời mái nhà nói riêng.
Riêng với Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp, bà Mai mong muốn văn bản này sớm được ban hành, bởi sẽ tạo sự tiếp nối liền mạch chính sách cho phát triển điện mặt trời mái nhà.
“Chưa bàn đến nội dung chính sách như thế nào bởi Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến và đưa ra chính sách phù hợp nhất. Tuy nhiên, sự liền mạch của chính sách để nhà đầu tư dự báo thời điểm đầu tư là rất quan trọng. Do đó, các nhà đầu tư mong muốn Nghị định sớm hoàn thiện”, bà Mai thông tin.
Về câu hỏi “Cần cơ chế như thế nào để khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu”? Ở vai trò chuyên gia, bà Mai nhận định, cơ chế được xây dựng cần đáp ứng được hài hoà lợi ích các bên Nhà đầu tư- Nhà nước- Người dân; giúp doanh nghiệp xanh hoá được sản xuất; nhà đầu tư có thể tham gia vào phát triển điện mặt trời mái nhà; giảm áp lực và hạn chế rủi ro cho ngành điện…
“Phát triển điện mặt trời mái nhà cần đặt trong tổng thể phát triển của nền kinh tế. Nên chăng, nhượng bộ lợi ích của mỗi bên trong từng giai đoạn để cùng hướng tới sự phát triển chung. Và ở đây, sự điều tiết của Nhà nước cực kỳ quan trọng”, bà Mai bày tỏ.