Chuyên gia: Thị trường trái phiếu đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ có dấu hiệu ấm lên qua các con số mà chất lượng phát triển của thị trường cũng đã cải thiện đáng kể.
Khó khăn đã qua?
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có khởi sắc trong 4 tháng đầu năm 2024. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 36 nghìn tỷ đồng, với 6 đợt phát hành ra công chúng và 30 đợt phát hành riêng lẻ. Riêng trong tháng 4/2024, đã có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều đáng chú ý là lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành trong 4 tháng đầu năm chiếm tới 51,2%, tăng mạnh so với tỉ lệ 22,5% của năm 2023. Bên cạnh đó, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn. Gia tăng hoạt động này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như sự hấp dẫn của các sản phẩm trái phiếu đang được chào bán.
Phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2024 mang đến tín hiệu lạc quan cho ngành tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, việc đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này cần sự chung tay của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục và có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia tài chính Trần Lê Minh (Tổng giám đốc VIS Rating, tổ chức chuyên về xếp hạng tín nhiệm đầu tư tại Việt Nam) thị trường trái phiếu có thể đã qua giai đoạn khó khăn nhất.
Ông Minh phân tích: nhìn vào quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ổn định, giá trị trái phiếu có rủi ro mất khả năng thanh toán trong năm 2024 được dự báo giảm rõ rệt về giá trị so với năm 2023. Theo đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự ổn định lại từ quý III/2024 tới nay sau giai đoạn suy giảm mạnh từ đầu quý II/2022, hiện tại đang ở mức 1,16 triệu tỷ đồng.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được dự báo có rủi ro cao trong năm 2024 là 42 nghìn tỷ đồng, thấp hơn đáng kể nếu so với giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán gốc và lãi riêng trong quý I/2023 là 59 nghìn tỷ đồng và cả năm 2023 là 147 nghìn tỷ đồng.
"Những dấu hiệu trên là minh chứng rõ ràng cho việc thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Thị trường cũng đã thật sự bước vào giai đoạn phát triển mới từ năm 2024 khi các quy định pháp luật đã làm thay đổi đáng kể tính minh bạch của thị trường. Điều này hứa hẹn một tương lai lạc quan cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước”, ông Minh nhận định.
Xóa bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn
Từ đầu năm 2024, các quy định pháp lý chặt chẽ của Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế chính thức có hiệu lực trở lại, sau một thời gian tạm dừng để hỗ trợ thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Theo ông Trần Lê Minh, đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ cho tính minh bạch, an toàn của thị trường. Các quy định mới này đã giải quyết được hai điểm yếu của thị trường trong giai đoạn 2018 - 2022 là tính minh bạch thông tin của thị trường và việc bảo vệ quyền lợi của người đầu tư, đặc biệt là người đầu tư cá nhân. Hiện tại nhà đầu tư đã có thể tìm thấy các thông tin về trái phiếu và tổ chức phát hành được công bố trên trang Cbond của HNX. Đây là một thay đổi lớn so với giai đoạn trước khi các thông tin về trái phiếu doanh nghiệp rất tản mát và khó tiếp cận, ngay cả đối với người đầu tư tổ chức.
Ông Minh cho biết thêm, thị trường đang bước vào giai đoạn phát triển mới xuất phát từ nguyên nhân chính là sự thay đổi về tính minh bạch của thị trường sau khi các quy định tại Nghị định 65 được áp dụng toàn bộ. Đơn cử việc quy định bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm đối với một số trường hợp khi phát hành trái phiếu sẽ cung cấp các thông tin ban đầu về mức độ rủi ro của trái phiếu cho người đầu tư.
Bên cạnh đó, các quy định của Nghị định 65 cũng nâng cao các điều kiện cần thiết để phát hành trái phiếu và trách nhiệm của tổ chức phát hành đối với việc sử dụng số tiền thu được, tất cả các điểm này đều sẽ giúp thị trường phát triển ổn định với chất lượng cao hơn.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng quy định pháp lý chặt chẽ là động lực quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, hướng đến phát triển bền vững. Việc tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời liên tục cập nhật, hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn thị trường, sẽ góp phần tạo dựng niềm tin, thu hút đầu tư, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
"Quy định pháp lý chặt chẽ, tăng cường giám sát xử lý vi phạm, cùng với việc cập nhật và hoàn thiện các quy định phù hợp với thực tiễn sẽ tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và hấp dẫn. Điều này không chỉ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai", một chuyên gia nhận định.
Trước đó, tại tọa đàm về thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rào cản, nhưng thị trường đang phục hồi tích cực, niềm tin phục hồi trở lại. Ông Lực cho rằng nguyên nhân đến từ một loạt nhóm chính sách quyết định phục hồi thị trường này của Chính phủ. Thứ nhất là Nghị định 08 tháo gỡ những cái đang vướng mắc, khó khăn như: Cho phép giãn hoãn, quay vòng... với những điều kiện mới thuận lợi hơn so với trước đây. Thứ hai, ta đưa vào vận hành hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung. Đây là điểm quan trọng làm tăng thanh khoản. Theo thống kê của HNX, đã có khoảng 760 mã trái phiếu doanh nghiệp của khoảng 200 tổ chức phát hành được đưa lên hệ thống này. Qua đó tăng thanh khoản cho thị trường, tăng khoảng 20-30 lần so với giai đoạn trước. Điều này rất quan trọng, tăng công khai minh bạch cho thị trường. Thứ ba, chúng ta đã phát triển một số điều kiện tiến tới thị trường lành mạnh hơn, ví dụ thêm tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã bắt đầu vận hành. Đặc biệt, các vụ việc vi phạm trái phiếu doanh nghiệp đã được xử lý quyết liệt vừa qua. “Các chính sách đó dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phục hồi, phát triển tốt hơn”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá. |