Chuyên gia “hiến kế” giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn
Tại tọa đàm "Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường Bất động sản Việt Nam 2023" do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức, các chuyên gia kinh tế, tài chính hàng đầu Việt Nam đã hiến kế giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn.
Chia sẻ về những điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam 2023, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc rất quyết liệt để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong cộng đồng doanh nghiệp và một số nơi đang hiểu chưa đúng về thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
"Cần phải hiểu đúng hơn về thông điệp của Thủ tướng, chứ không phải Chính phủ bỏ rơi doanh nghiệp. Đây là cách hiểu phiến diện, tiêu cực… Chúng ta không nên tranh luận với nhau về câu chữ" - TS.Cấn Văn Lực nói.
Tọa đàm "Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường Bất động sản Việt Nam 2023" |
Lý giải thêm về vấn đề này, ông Lực cho biết, ý sâu xa của Thủ tướng là muốn nhắc nhở doanh nghiệp bất động sản, trong bài toán kinh doanh của mình phải tính toán thận trọng hơn, phù hợp hơn với năng lực về tài chính, năng lực quản lý, năng lực quản trị rủi ro của mình để tránh hiện tượng tự mình làm khó mình.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chủ động để giải quyết những vấn đề trong khả năng của mình. "Ví dụ cơ cấu lại sản phẩm, sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu nhất định để có thể tháo gỡ khó khăn; hoặc là đàm phán với trái chủ, rồi đàm phán với các chủ nợ" - TS.Cấn Văn Lực nêu ví dụ và phân tích thêm như Tập đoàn Novaland, họ đã và đang chủ động giải quyết theo hướng đó, còn những vấn đề vượt quá tầm doanh nghiệp, liên quan đến cơ chế chính sách thì Chính phủ sẽ có những quyết sách để giải quyết. "Như vậy, đây là bài toán đồng hành giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp" - ông Lực nói.
Trong thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo, ban hành rất nhiều những Nghị định, Chỉ thị, quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đồng thời, cũng tập trung vào những vấn đề liên quan đến pháp lý, liên quan đến vốn, liên quan đến quan hệ cung cầu và giá cả.
Với tất cả những cơ chế, chính sách, công thêm động thái hành động của Chính phủ, các bộ, ngành thời gian vừa qua và sắp tới. TS.Cấn Văn Lực cho rằng, nếu nghiêm túc thực hiện thì có thể giúp cho thị trường vượt qua được khó khăn của giai đoạn hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ ấm hơn vào cuối quý 2/2023 |
Tuy nhiên, cần phải có sự đồng bộ cùng với những yếu tố bên ngoài khác. Như đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh đầu tư công…
"Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều ý tưởng và chính sách thì nên phân rõ thứ tự ưu tiên thực hiện. Cái nào ngắn hạn, cái nào trung và dài, cái nào làm trước hay cái nào làm sau… Như vậy thị trường bất động sản sẽ khả quan hơn trong thời gian tới" - TS.Cấn Văn Lực cho hay.
Bên cạnh đó, cần phải sớm giải quyết các vấn đề về pháp lý; về câu chuyện nguồn vốn, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Phải ưu tiên giải quyết, đảm bảo ổn thỏa thì doanh nghiệp mới có thể vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay. Đặc biệt là đối với một số doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh, nhanh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công. Từ đó sẽ tháo gỡ những vướng mắc về cơ sở hạ tầng cũng như là cải cách các tồn đọng về vốn giữa các doanh nghiệp xây lắp với nhau. Cuối cùng là cần phải có những biện pháp, chính sách về tín dụng để kích cầu, tức là tập trung vào đối tượng mua nhà rồi tập trung các doanh nghiệp xây dựng. Qua đó sẽ tăng lực cầu cho thị trường.
"Về lâu dài, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần phải quan tâm để điều tiết quan hệ cung cầu trên thị trường cho tốt hơn. Tiếp đến là để giá bất động sản phải sát hơn so với nhu cầu và cái khả năng thu nhập của người dân tại Việt Nam" - TS.Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, để xử lý những vấn đề của thị trường bất động sản một cách căn cơ thì còn biện pháp lớn khác cần phải làm. Hiện nay, cấu trúc nền kinh tế đầu tư lệch hết về bất động sản. Nguyên nhân do định hướng khuyến khích đầu tư, dẫn dắt dòng vốn bị sai. Để tạo ra môi trường thu hút vốn thì phải sửa chính sách, thay vì khuyến khích đầu cơ như hiện nay gây mất cân đối.
"Lâu nay trong thị trường bất động sản, những khuyến khích cứ hướng vào phân khúc cao cấp. Không bán được mà chỉ đầu cơ, đến lúc tắc nghẽn thì không chỉ gây lãng phí cho nền kinh tế mà còn gây rủi ro cho nền kinh tế, tức là nợ xấu" - PGS. TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Đưa ra dự báo về thị trường trong thời gian tới, TS.Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong quý 1/2023 thì sẽ có nhiều văn bản được ban hành. Đến quý 2 sẽ có nhiều thay đổi trong việc xử lý một số dự án gặp vướng mắc, khó khăn.
"Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đang phải tự cơ cấu, căn chỉnh lại sản phẩm của mình để dễ tiêu thụ hơn trên thị trường. Thậm chí, cả hệ thống từ Chính phủ đến các cơ quan ban ngành cũng đều có sự thay đổi… nên thị trường bất động sản sẽ ấm hơn vào cuối quý 2/2023" - ông Đính chia sẻ.