Suy giảm kinh tế, bán lẻ và bất động sản tự tìm lối thoát
Tín dụng bất động sản: Nỗi lo nợ xấu phình to dần hiện hữu Điểm sáng thị trường bất động sản công nghiệp trong năm 2023 |
Tại cuộc hội thảo “Dự báo tình hình kinh tế và thị trường bất động sản năm 2023”, do Ban truyền thông sự kiện của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức mới đây, các ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng đưa ra dự báo rằng, kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trong năm 2023.
Dự báo chi tiêu của người dân trong năm 2023 sẽ chịu tác động từ làn sóng khó khăn của các doanh nghiệp đang cắt giảm lao động vì đơn hàng giảm. |
Cụ thể theo TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cầu nhập khẩu giảm trong năm 2023 sẽ làm thu hẹp quy mô sản xuất trong nước, nhất là các ngành và sản phẩm định hướng xuất khẩu. Đồng thời, vấn đề tiếp cận vốn vẫn chưa được cải thiện, lãi suất cho vay không tăng nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Đối với các doanh nghiệp và người dân vẫn không có các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí, giải quyết khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Sinh kế của một số bộ phận dân cư sẽ chuyển từ hình thức chính thức sang phi chính thức.
Hơn nữa, các mục tiêu về kinh tế xã hội của chúng ta đang được kỳ vọng quá cao trong khi điều kiện kinh tế Thế giới vẫn khó khăn ít nhất đến năm 2024 và không có những thay đổi mạnh mẽ, nhất quán để vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa giải quyết các vướng mắc về thể chế đã tồn tại nhiều năm qua.
Các doanh nghiệp chia sẻ, thảo luận tại hội thảo do HUBA tổ chức |
Là doanh nghiệp trực tiếp ảnh hưởng từ tình hình suy giảm kinh tế ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng xác nhận, tiêu dùng của nhóm ngành nhu yếu phẩm, thực phẩm, bán lẻ,... sẽ chịu ảnh hưởng. Ông Đức cho rằng, giải pháp để các doanh nghiệp tự tìm ra “lối thoát” cho mình trong giai đoạn khó khăn này là bình tĩnh và tự nhìn nhận lại từ bên trong, phát huy và khai thác triệt để những điểm mạnh của doanh nghiệp mình phù hợp nhất với thị trường ở giai đoạn này.
Ngoài bán lẻ, bất động sản cũng là lĩnh vực đang gặp nhiều vướng mắc và được quan tâm thời gian vừa qua. Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân chia sẻ về ý kiến giải cứu bất động sản hiện nay. “Việc giải cứu hay không giải cứu bất động sản phải dựa trên ba góc nhìn là mong muốn của doanh nghiệp, ý kiến của người dân và quan điểm chính sách của Nhà nước. Giải cứu bất động sản có thể góp phần thúc đẩy nền kinh tế nhưng phải xem xét trên nhiều yếu tố…. Nếu cung cầu gặp nhau, thị trường bất động sản sẽ tự giải cứu”- ông Lê Hữu Nghĩa nói.
Phân tích cụ thể, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết: Thị trường bất động sản suy giảm bất thường đã tạo ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế, trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản, sau đó là gần 40 ngành nghề xem thị trường bất động sản là thị trường đầu ra. Cụ thể như ngành sắt thép, cát đá, máy móc, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhà ở...
Nguyên nhân của tình trạng trên là do thị trường bất động sản đang gặp phải một số điểm nghẽn. Muốn giải quyết được vấn đề này, trước hết phải xem lại về cung và cầu của thị trường. Nếu như “cung” đang ở giá quá cao, vượt xa so với khả năng chi trả của người dân hay thị trường thì chắc chắn bài toán này không thể nào giải quyết được.
Về cơ hội của thị trường bất động sản trong thời gian tới, theo ông Nghĩa, qua khảo sát 100 doanh nghiệp bất động sản của HUBA thời gian qua thì kết quả không mấy khả quan, hầu hết đều phải "thở oxy", vì thế tình hình bất động sản sẽ còn khó khăn trong thời gian tới.