Chứng khoán tháng 6: Kích hoạt điểm nổ?
Chứng khoán giao dịch "lờ đờ", nhà đầu tư có nên xuống tiền? Thị trường chứng khoán tháng 4 ghi nhận sự sụt giảm Chuyên gia: Rủi ro ngắn hạn chực chờ, nhà đầu tư thận trọng khi 'xuống tiền' |
VN-Index lại bất ngờ giảm điểm trong bối cảnh có nhiều dự báo lạc quan về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Chỉ số không giữ được đà hưng phấn được cho do nhiều yếu tố, bao gồm sự biến động của dòng tiền, áp lực chốt lời hay đơn giản chỉ là sự điều chỉnh của thị trường sau nhiều phiên đi lên. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế chứng khoán vẫn giữ quan điểm tích cực về cơ hội VN-Index vượt đỉnh 1.300 điểm.
Dòng tiền dẫn dắt thị trường
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thị trường chứng khoán đang trong thời điểm không có nhiều thông tin vĩ mô hỗ trợ, sự quan tâm đặc biệt đổ dồn vào diễn biến của dòng tiền. Đây là yếu tố quan trọng nhất để dự báo về tình hình chung của thị trường những ngày tới. Mặc dù có áp lực bán chốt lời và dòng tiền chưa ổn định, song ông Long cho rằng khả năng VN-Index tiến lên mốc 1.300 điểm là hoàn toàn có thể. Nhưng để đạt được điều này, thị trường cần sự ủng hộ và tính luân chuyển của dòng tiền giữa các nhóm ngành.
“Mặc dù thị trường chứng khoán trong nước đang chịu nhiều biến động, nhưng với sự ủng hộ và luân chuyển hợp lý của dòng tiền giữa các nhóm ngành, VN-Index vẫn có tiềm năng tiến lên mốc 1.300 điểm”, chuyên gia Ngô Trí Long nói và khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì chiến lược đầu tư linh hoạt, đa dạng hóa danh mục và theo dõi sát sao các biến động của thị trường. Việc nắm bắt cơ hội đầu tư trong các nhóm ngành khác nhau sẽ giúp tận dụng tối đa dòng tiền và giảm thiểu rủi ro.
Kỳ vọng VN-Index sớm vượt đỉnh 1.300 điểm. Ảnh: AIS |
Đồng quan điểm, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thị Mỹ Liên (Chứng khoán PHS) cho rằng, thị trường vào giai đoạn biến động, xen kẽ các phiên tăng mạnh hoặc giảm mạnh và diễn biến bình thường. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, khả năng đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn do gặp áp lực từ vùng cung quanh đỉnh cũ 1.290 điểm và cho rằng, thị trường có thể sớm tăng trở lại và vượt đỉnh tháng 3/2024.
“Tôi cho rằng các lực cản này mặc dù sẽ khiến thị trường gặp ít nhiều khó khăn khi tiếp cận vùng đỉnh và lùi lại về các mốc hỗ trợ, nhưng điều đó không đủ khiến thị trường đảo chiều xu hướng tăng”, chuyên gia Nguyễn Thị Mỹ Liên chia sẻ.
Nhìn xa hơn, chuyên gia Đinh Quang Hinh (Chứng khoán VNDirect) nhận định chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) và lợi suất trái phiếu chính phủ cũng có nhịp điều chỉnh và nhà đầu tư hiện đang tự tin hơn về kịch bản Fed sẽ giảm lãi suất điều hành vào cuộc họp tháng 9. Điều này giúp giảm bớt phần nào áp lực lên tỷ giá trong nước. Hiện tỷ giá trung tâm và tỷ giá mua/bán USD của các ngân hàng thương mại đã giảm nhẹ trong một vài phiên gần đây. Ngoài ra, nhịp giảm mạnh của giá xăng trong nước (giảm hơn 8% trong vòng 1 tháng) sẽ giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát.
Ông Hinh cho rằng những diễn biến tích cực trên đã cải thiện tâm lý nhà đầu tư, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán tốt hơn đã thúc đẩy các chỉ số tăng điểm. Diễn biến hiện tại hoàn toàn có thể đưa chỉ số VN-Index hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.290 - 1.300 điểm (vùng đỉnh cũ).
“Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc của thị trường trong quá trình hướng tới vùng đỉnh cũ để cơ cấu danh mục đầu tư, hướng tới các nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh hoặc đang có câu chuyện hỗ trợ như xuất khẩu (thủy sản, dệt may), bất động sản và chứng khoán”, ông Hinh khuyến nghị.
Nhiều cơ hội bứt phá trong tháng 6
Thị trường chứng khoán đang ở thời điểm quan trọng khi VN-Index tiến gần tới ngưỡng 1.300 điểm. Nhưng diễn biến hiện tại đang cho thấy sự giằng co và tích lũy. Theo giới chuyên gia, điều này thường xảy ra sau một giai đoạn tăng mạnh, khi các nhà đầu tư đang cân nhắc giữa việc chốt lời và tiếp tục giữ cổ phiếu.
Chuyên gia Nguyễn Văn Sơn từ Chứng khoán PHS nhận định rằng diễn biến của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ chịu sự tác động của nhiều yếu tố, cả ở cấp vĩ mô và vi mô, cũng như các yếu tố quốc tế. Theo chuyên gia, biến thị trường rung lắc khá mạnh trong thời điểm đón nhận thông tin vĩ mô tích cực, không hẳn là do yếu tố cơ bản của nền kinh tế bị thị trường xem nhẹ đi, mà có thể là nhà đầu tư cần thêm thời gian để nhận ra những chuyển động tích cực từ nền kinh tế thực.
Ông Sơn phân tích thêm rằng số liệu báo cáo vĩ mô quý I/2024 không chỉ cho thấy GDP có mức tăng trưởng tích cực 5,66%, mà còn thể hiện qua hàng loạt các chỉ số khác như thặng dư thương mại lớn 8,08 tỷ USD và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá. Đây đều là những tín hiệu củng cố kỳ vọng rằng nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần bước vào giai đoạn khởi sắc hơn.
“Yếu tố vĩ mô khởi sắc cùng với chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng, tiếp tục là những động lực chính giúp cho thị trường chứng khoán tăng điểm và vượt ngưỡng 1.300 điểm”, chuyên gia Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Tương tự, chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc (Chứng khoán CSI) cũng cho rằng mốc 1.300 điểm có thể là một ngưỡng kháng cự mạnh của VN-Index trong ngắn hạn, nhưng nhìn trung hạn trong năm 2024 thì 1.300 điểm chỉ là một trạm dừng nghỉ của VN-Index. “Cá nhân tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ để có thể kỳ vọng đỉnh cao của năm 2024 sẽ cao hơn đáng kể so với mốc 1.300 điểm. Tôi kỳ vọng vùng 1.350 - 1.400 điểm mới là mức điểm cao của VN-Index”, ông Ngọc cho biết.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc Khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital, các yếu tố như sự ổn định kinh tế, độ mở của nền kinh tế, cùng với các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư của Việt Nam là những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam thay vì các thị trường khác. Bên cạnh đó, khả năng nâng hạng của thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới cũng là một yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
“Những nỗ lực này không chỉ giúp tăng cường niềm tin vào sự phát triển của thị trường chứng khoán mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho cả nhà đầu tư và cả nền kinh tế”, bà Thu nhận định.