Chứng khoán hôm nay 19/4/2024: VN-Index "lình xình" quanh mức 1.200, rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư nên làm gì?
Thị trường chứng khoán hôm nay 19/4/2024
Dự báo trong phiên hôm nay, VN-Index sẽ có nhịp giảm để kiểm định hỗ trợ trung hạn MA100, MA200 tại khu vực 1.175-1.190 điểm.
Theo Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, kết phiên ngày 17/4 VN-Index giảm khá mạnh 22,67 điểm (-1,68%) về mức 1.193 điểm, dưới mốc hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm và có xu hướng kiểm tra lại đường giá trung bình MA200 phiên tương ứng quanh 1.175 điểm. HNX- Index giảm 2,63 điểm (-1,15%) về mức 226,20 điểm. Độ rộng thị trường trên 02 sàn giao dịch vẫn tiêu cực khi có 446 mã giảm giá (13 mã giảm sàn), 210 mã tăng giá (22 mã tăng trần) và 119 mã giữ giá tham chiếu.
VN-Index sẽ có nhịp giảm để kiểm định hỗ trợ khu vực 1.175-1.190. Ảnh chụp màn hình |
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 20.773,58 tỉ đồng được giao dịch, giảm khá mạnh 37,01% so với phiên trước, dưới mức trung bình cho thấy áp lực bán mạnh đột biến giảm, nhưng đa số vẫn phục hồi kém tích cực, thanh khoản giảm mạnh. Khối ngoại trở lại bán ròng mạnh trong phiên hôm nay trên HOSE với giá trị 990,77 tỉ đồng; tập trung nhiều ở các mã ngân hàng như SHB, HDB... bán ròng trên HNX với giá trị 27,02 tỉ đồng.
Chứng khoán ngành Công Thương ngày 19/4/2024
Chứng khoán ngành Công Thương hôm nay nhóm cổ phiếu năng lượng, công nghiệp chịu áp lực bán mạnh, theo đà giảm của thị trường chung.
Thị trường tiếp tục biến động mạnh với sắc đỏ lan rộng trong đó nhóm tài chính, bất động sản, dầu khí bị bán ra rất mạnh. Kết phiên giao dịch gần nhất, chỉ số VN30-Index ghi nhận 26 mã giảm và 4 mã tăng trong đó MSN (1.06%), POW (0.46%), SSB (0.23%), VNM (0.31%) đi ngược thị trường.
Trong bối cảnh thị trường giảm điểm trên diện rộng, một số mã đầu cơ như PSH cùng với QBS, QCG tăng trần.
Khối ngoại bán ròng 996 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong đó FUEVFVND (340 tỷ), VHM (146 tỷ), SHB (95 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng. Ở chiều ngược lại, VNM (106 tỷ), GMD (62 tỷ), MWG (28 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết cũng điều chỉnh giảm điểm, thanh khoản giảm khá mạnh, dưới mức trung bình với BID (-4,37%), CTG (-3,96%), SHB (-3,48%), TPB (-3,41%) ngoài LPB (+3,34%) duy trì xu hướng tăng giá tích cực nhất. Các cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng hầu hết cũng chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản dưới mức trung bình với DPG (-6,93%), LCG (-4,66%), VLB (-4,32%), BMP (-3,17%), CTD (-3,03%).
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 19/4/2024
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm vào đầu phiên và thu hẹp đà giảm vào cuối phiên, chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động quanh đường trung bình 100 phiên (tức là mức 1,190 điểm). Đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật giảm về vùng quá bán và chỉ báo tâm lý rơi vào vùng bi quan quá mức cho nên thị trường có thể sớm xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật trong những phiên giao dịch tới. Theo mô hình giá, chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục lình xình quanh vùng 1.200 điểm trong vài phiên tới.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tín hiệu hiện tại có thể tiếp tục gây sức ép lên thị trường trong thời gian tới và rủi ro điều chỉnh vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, tạm thời thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1.176 - 1.182 điểm, vùng MA (200) tuần, và có dao động thăm dò cung cầu trong thời gian tới.
Do vậy các nhà đầu tư cần thận trọng và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn, đồng thời quan sát diễn biến cung cầu vùng hỗ trợ để đánh giá lại trạng thái của thị trường. Hiện tại vẫn nên cân nhắc những đợt hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Trong phát biểu mới nhất, chủ tịch FED Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Có thể mất “nhiều thời gian hơn dự kiến” mới đến lúc phù hợp để cắt giảm lãi suất. Ông Powell nói thêm rằng FED cũng sẽ không xem xét việc tăng lãi suất. Thay vào đó, các quan chức sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian cần thiết, nếu lạm phát tỏ ra cứng đầu hơn. Ông cũng cho biết FED sẵn sàng cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế đang chậm lại.