Chợ phiên miền biên ải - Ngày hội của 17 dân tộc anh em Mèo Vạc
Núi dựng, rừng thiêng xưa nay vẫn là cách mà người ta nghĩ về miền biên ải. Thế nhưng ngày hôm nay đến với huyện biên giới Mèo Vạc, hẳn nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ bởi hàng loạt những con đường giao thông huyết mạch của cả huyện đang cùng lúc được nâng cấp mở rộng. Có đường giao thông thuận lợi cùng chính sách hỗ trợ từ 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia mà đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây đã khấm khá lên trông thấy, nhiều hủ tục lạc hậu cũng dần bị loại bỏ. Cuộc sống và nếp sinh hoạt đổi khác là thế, nhưng phiên chợ vùng cao Mèo Vạc vẫn vẹn nguyên những giá trị văn hóa bản địa giữa trùng trùng, điệp điệp núi rừng.
Mỗi phiên chợ luôn được đồng bào các dân tộc anh em huyện vùng cao Mèo Vạc coi là một ngày hội |
4h sáng, khi cả thị trấn Mèo Vạc còn tờ mờ sương đêm, các nẻo đường đổ về trung tâm đã rậm rịch bước chân của người đi chợ. Người dân địa phương kể, do sống gần với trời, nên các thôn bản ở đây dậy sớm lắm. Dậy sớm để còn kịp cho ngựa, bò ăn, còn kịp đi nương… Nhưng hôm nay có phiên chợ nên mọi người dậy sớm để đi chơi chợ. Cả tuần làm lụng vất vả rồi nên Chủ nhật nào già, trẻ, gái, trai cũng kéo nhau ra chơi chợ phiên. Có khi chả mua bán gì, chỉ cần được gặp nhau, được trò chuyện, ăn miếng mèn mén, uống bát rượu là vui lắm rồi!
Tuy ở vùng xa, vùng cao biên giới nhưng hàng hóa ở chợ phiên Mèo Vạc chẳng thua kém gì những chợ lớn miền xuôi. Có điều, ở đây người mua đủng đỉnh, người bán chùng chình, không nài gọi, không câu kéo. Người bán chỉ bán những thứ người mua cần mua, không gộp, không cộng. Đơn giản như mua con dao trả tiền con dao, thả vào gùi. Xong! Mua thêm cái cuốc thì trả tiền cái cuốc. Rồi lại mua cái khác… Điều thú vị là nhiều gian hàng bán thực phẩm và nông cụ không dùng tiền mà dùng hiện vật để trao đổi. Họ mang theo con gà, hay chục trứng để đổi lấy đôi thúng, đôi thùng…
Nhiều năm trở lại đây, chợ phiên Mèo Vạc được xem như một trong những địa điểm nhất định phải ghé thăm khi ghé thăm Hà Giang |
Có tới chợ rồi mới hiểu vì sao đồng bào 17 dân tộc anh em cùng sinh sống tại Mèo Vạc luôn coi mỗi phiên chợ là một ngày hội. Trong phiên chợ, ta sẽ bắt gặp những cô gái Lô Lô trở về từ các bản làng của xã Xín Cái bốn mùa chìm trong mây trắng tinh như bông gòn; Cũng có cả các bà, các mẹ người Dao đi bộ từ Sủng Máng cách đó hơn chục cây số chỉ để mua con dao mới; Hay duyên dáng hơn là những cô gái Pả Vi rủ nhau tới chợ để khoe bộ váy vừa thêu xong vẫn còn nguyên nếp hồ.
Những chàng trai Khâu Vai mặt ửng hơi men, phấn khích cất lên điệu khèn lá, khèn môi tình tứ. Ở gian hàng nào cũng dễ dàng bắt gặp một ông lão đến từ Cán Chu Phìn, Lũng Pù… đang ngồi nhâm nhi chén rượu với bát thắng cố, hay để chắc cái bụng hơn thì ăn một bát xôi bảy màu dẻo thơm mùi thảo mộc, ăn một lần sẽ nhớ mãi. Họ vừa ăn uống vừa rủ rỉ với nhau về chuyện được nhà nước hỗ trợ tiền để chăn nuôi con lợn, con bò hay chuyện thu hoạch nương lúa, nương ngô…
Chợ bò nét đặc trưng của chợ phiên Mèo Vạc |
Đứng từ mấy đỉnh núi cao trên con đường tỉnh lộ 4C dẫn vào thị trấn nhìn xuống, chợ phiên Mèo Vạc hệt như dải mây ngũ sắc vắt ngang thung lũng bởi hàng trăm gian hàng bán thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông. Người Mông quan niệm, muốn biết người phụ nữ có đảm đang, khéo léo hay không thì cứ nhìn những bộ váy áo mà họ làm ra. Hoàn thành được bộ váy áo thổ cẩm vẽ bằng sáp ong thì phải nhẫn nại lắm, và phải mất nhiều thời gian như chờ đợi con trâu, con bò lớn nhanh để có thể lên nương đi cày.
Sống ở vùng lạnh nên trẻ con rẻo cao đứa nào cũng da trắng mịn, mắt đen biếc, môi và má luôn đỏ căng như quả đào chín. Chúng nằm ngủ ngon lành trên lưng mẹ, mặc cho ngoài kia người ta đang hát: “Loài cá sống ở nước. Loài chim bay trên trời. Người Mông sống ở núi”. Lũ trẻ cứ thế lớn lên trong cái không khí ồn ào của chợ phiên, trong lời ca tình tứ được cất lên từ những người đang nồng nàn hơi men, hơi tình, cứ hồn nhiên như cây cỏ, thẳng tắp như thân ngô mọc trên đá, rồi lại đi chợ và tiếp tục hát những bản tình ca của riêng dân tộc mình.
Nhiều năm trở lại đây, chợ phiên Mèo Vạc được xem như một trong những địa điểm nhất định phải ghé thăm khi ghé thăm Hà Giang |
Và nếu ai đã một lần đi chơi chợ phiên Mèo Vạc, thì nhất định sẽ bước chân đi tìm tới khu chợ bò. Dù được hình thành từ rất lâu, nhưng từ những năm 2000 khi huyện Mèo Vạc chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa thì khu chợ bò dần trở thành “sàn giao dịch bò” lớn nhất của miền biên viễn này. Có tới hàng trăm con bò từ vùng lân cận được đưa về đây thu hút thương lái các tỉnh miền xuôi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên… cũng xem chợ phiên Mèo Vạc như một điểm hẹn.
Anh Thò Mí Chơ, người dân thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc kể: “Trên lưng, trên đầu con bò có mảnh giấy ghi tên và số điện thoại của chủ. Ai muốn mua cứ nắm dây thừng con bò gọi chủ nhân ra mà ngã giá”. Thò Mí Chơ khoe, đầu năm 2022, anh Chơ được nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để mua bò. Tới tháng 4 năm nay thì con bò ấy sinh ra thêm con bê, nếu bán con bê với mức giá hiện tại thì gia đình đã đủ tiền sắm Tết và lo chuyện học hành của ba đứa con khi bước vào năm học mới.
Ở Mèo Vạc có tới 17 dân tộc anh em cùng sinh sống |
Chợ phiên Mèo Vạc họp từ khi ánh sáng mặt trời còn chưa lọt được qua vách đá và chỉ chịu tàn khi những người đến từ đỉnh núi xa mờ đã đầy ắp hàng hóa cần mua trong những chiếc gùi sau lưng.
Anh Nguyễn Minh Đức, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin và Du lịch huyện Mèo Vạc nói: “Chợ là nơi giao lưu giữa các dân tộc với nhau và cũng là nơi giao thoa của nhiều vùng, nhiều miền văn hoá”. Cũng có một điều chắc chắn rằng, chợ Mèo Vạc còn giữ được nhiều nét độc đáo mà bất kỳ nhà nghiên cứu văn hóa nào nếu chỉ đọc qua sách vở, cũng không thể tìm thấy hết được. Chợ phiên Mèo Vạc cho ta niềm tin vào sự bền vững của những giá trị văn hóa, được tiếp nối, gìn giữ bởi những con người sinh ra nơi núi rừng, lớn lên rồi lại trở về với núi rừng.