Chiến sự Israel-Hamas ngày 23/10: Israel thừa nhận vụ xe tăng “bắn nhầm” đồn quân sự Ai Cập
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 22/10 thừa nhận một chiếc xe tăng của quân đội nước này đã “vô ý” khai hỏa và bắn trúng một đồn quân sự của Ai Cập.
Tuyên bố của IDF nêu rõ: “Vụ việc đang được điều tra và các tình tiết đang được xem xét.” IDF bày tỏ “vô cùng lấy làm tiếc về vụ việc này.”
Về phần mình, người phát ngôn quân đội Ai Cập xác nhận một số lính biên phòng nước này đã bị thương nhẹ do những mảnh đạn pháo bắn từ xe tăng Israel, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Theo quân đội Ai Cập, phía Israel đã ngay lập tức gửi lời xin lỗi vì “sự cố không có chủ ý” và “đang tiến hành điều tra.”
Trong khi đó, truyền thông Ai Cập khẳng định vụ “bắn nhầm” của xe tăng Israel sẽ không làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng viện trợ tới Gaza thông qua cửa khẩu Rafah.
Đồn quân sự của Ai Cập nằm ở khu vực Kerem Shalom, gần biên giới Israel-Ai Cập và phía Nam Dải Gaza. Sự việc xảy ra trong bối cảnh giao tranh ác liệt giữa quân đội Israel và phong trào Hamas ở Gaza.
Cùng ngày 22/10, thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram, Lữ đoàn Qassam, cánh quân sự Hamas, cho biết các tay súng của họ đã giao chiến với với lực lượng Israel "trong một cuộc phục kích được chuẩn bị kỹ lưỡng ở phía đông thành phố Khan Younis", sau khi các binh sĩ Israel vượt qua biên giới Dải Gaza chỉ vài mét.
Theo đó, các tay súng Hamas đã phá hủy hai máy ủi, một xe tăng, buộc lực lượng Israel phải rút lui sau đó trở về căn cứ an toàn.
Hamas phá hủy một xe tăng của lực lượng Israel gần thành phố Gaza ngày 7/10. Ảnh: Anadolu Agency |
Quân đội Israel cùng ngày cho hay "một binh sĩ đã thiệt mạng, một người bị thương vừa phải và hai người bị thương nhẹ do tên lửa chống tăng" trong cuộc đột kích của họ vào Dải Gaza.
Mục đích của cuộc tấn công này là xác định vị trí các tù nhân bị Hamas bắt ở khu vực Khan Younis và "phá hủy cơ sở hạ tầng".
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế và khu vực hối thúc Israel cho đưa hàng viện trợ cấp thiết vào Gaza để giảm nhẹ thảm họa nhân đạo của người dân Palestine ở vùng lãnh thổ này.
Một đoàn 17 chiếc xe tải chở hàng viện trợ đã từ Ai Cập vào Dải Gaza. Đây là đoàn xe thứ hai đi qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập đưa hàng viện trợ vào Dải Gaza ngày 22/10.
Trước đó, ngày 21/10, đoàn xe gồm 20 chiếc của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Ai Cập đã vào Gaza.
Sau khi xung đột với Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza bùng phát ngày 7/10 vừa qua, Israel đã bao vây hoàn toàn vùng lãnh thổ này, cắt điện, nước, năng lượng. 2,4 triệu người dân Palestine đang mắc kẹt tại Gaza. Hơn 40% số nhà ở Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy do xung đột.
Rafah là cửa khẩu duy nhất vào Gaza không do Israel kiểm soát. Nhưng các cuộc không kích đã làm đường sá hư hỏng và ngăn cản xe chở hàng cứu trợ.
Liên Hợp Quốc ước tính cần 100 xe tải chở hàng mỗi ngày mới có thể đáp ứng nhu cầu của người dân Gaza.
Cùng với đó, Israel đang đẩy mạnh các cuộc không kích và được cho là đang chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza.
Công nhân bốc dỡ hàng cứu trợ gửi đến Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah ngày 21/10/2023. (Ảnh: THX) |
Theo thông báo từ Nhà Trắng ngày 22/10, Tổng thống Biden đã có các cuộc trao đổi quan trọng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Các lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết ủng hộ đối với Israel và quyền tự vệ của nước này, "đồng thời kêu gọi tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trong đó có việc bảo vệ dân thường". Số phận các công dân phương Tây bị mắc kẹt trong cuộc xung đột Israel - Hamas cũng là chủ đề được quan tâm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bài phát biểu trước cả nước về xung đột Israel - Hamas từ Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 19/10. Ảnh: Reuters |
Xung đột leo thang nhanh chóng sau khi Hamas hôm 7/10 bất ngờ tấn công lãnh thổ Israel. Tel Aviv sau đó đáp trả bằng hàng loạt cuộc không kích nhằm vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát. Tình hình nhân đạo tại khu vực đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Thông báo cho hay các lãnh đạo phương Tây đã cam kết cùng hợp tác "để đảm bảo khả năng tiếp cận bền vững và an toàn đối với nguồn thực phẩm, nước uống, dịch vụ y tế và các hỗ trợ cần thiết khác nhằm đáp ứng các nhu cầu nhân đạo".
Họ cũng nhất trí phối hợp ngoại giao chặt chẽ "để ngăn chặn xung đột lan rộng, duy trì ổn định ở Trung Đông, hướng tới một giải pháp chính trị và hòa bình lâu dài".