Chiến sự Israel-Hamas ngày 21/10: Hamas thông báo thả hai công dân Mỹ
"Để đáp lại nỗ lực của Qatar, lữ đoàn Al-Qassam thả hai công dân Mỹ vì lý do nhân đạo", Hamas đăng trên Telegram ngày 20/10 và tuyên bố "đang làm việc với tất cả nhà đàm phán để thực hiện quyết định của phong trào nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến thường dân nếu điều kiện an ninh phù hợp cho phép".
Hamas công bố video cho thấy các thành viên của nhóm, với mặt và người được làm mờ, dẫn hai công dân Mỹ ra khỏi ôtô và trao lại cho nhân viên của Hội Chữ thập Đỏ.
Majid al-Ansari, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar, bày tỏ hy vọng "những nỗ lực này sẽ dẫn đến quyết định thả toàn bộ thường dân từ mọi quốc gia bị bắt làm con tin".
Các quan chức Israel cho biết hai công dân Mỹ được trả tự do là Judith Tai Raanan và con gái Natalie Shoshana Raanan. Họ bị bắt tại khu định cư Nahal Oz gần Dải Gaza khi các tay súng Hamas tấn công Israel gần hai tuần trước.
Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế Mirjana Spoljaric nhận định Hamas thả hai công dân Mỹ "mang lại tia hy vọng" cho gia đình các con tin khác bị giữ tại Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/10 bày tỏ "vui mừng khôn xiết" sau khi Hamas thả hai công dân nước này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết 10 công dân Mỹ vẫn mất tích, một vài người nằm trong số khoảng 200 con tin của Hamas.
Cũng trong ngày 20/10, Phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), chuẩn đô đốc Daniel Hagari thông báo lực lượng này tập kích hơn 100 mục tiêu tại Dải Gaza trong đêm. Ông Hagari cho biết IDF đang mở các đợt tập kích trả đũa nhằm vào Dải Gaza "với tần suất chưa từng có trong nhiều thập kỷ".
Trong đợt tập kích ban đêm nói trên, IDF hạ Amjad Majed Muhammad Abu 'Odeh, thành viên lực lượng tác chiến hàng hải của Hamas từng tham gia vụ tấn công phối hợp quy mô lớn nhằm vào Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant phát biểu trước các binh sĩ tập trung gần biên giới với Dải Gaza ngày 19/10. Ảnh: AFP |
Quân đội Israel cũng tấn công một thánh đường Hồi giáo ở khu Jabaliya, thành phố Gaza, bị nghi làm nơi chứa tài sản và vũ khí của Hamas, đồng thời được nhóm sử dụng làm trạm quan sát và sân tập.
Một đơn vị Hamas phóng tên lửa nhằm vào tiêm kích Israel, một đường hầm, một kho vũ khí và hàng chục sở chỉ huy của nhóm trở thành mục tiêu trong trong trận tập kích của IDF.
Ông Hagari tuyên bố IDF sẵn sàng đẩy lùi các đợt tấn công nhằm vào Israel của nhóm Houthi ở Yemen, được Iran hậu thuẫn. "Israel có một số hệ thống phòng không tốt nhất thế giới và đã chuẩn bị sẵn sàng cho những mối đe dọa thế này", chuẩn tướng Hagari nói.
Khói bốc lên sau khi Israel tập kích Dải Gaza ngày 20/10. Ảnh: AFP |
Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi, ngày 20/10, cảnh báo bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào trong các hoạt động quân sự tại Dải Gaza đều là “thảm họa” đối với người dân ở khu vực này.
Ông Grandi khẳng định mọi bước leo thang các hoạt động quân sự sẽ là thảm họa với người dân tại Dải Gaza.
Quan chức này đồng thời cảnh báo cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza nếu lan sang Liban và các khu vực khác có thể sẽ gây ra “hậu quả khôn lường.”
Xung đột bùng phát từ ngày 7/10 đã khiến hàng nghìn người Israel và Palestine thiệt mạng. Israel đã phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung nhu yếu phẩm và năng lượng cho vùng đất này, khiến tình hình nhân đạo tại đây xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi tạo điều kiện để đưa hàng hóa cứu trợ từ bên ngoài qua cửa khẩu Rafah trên biên giới Ai Cập vào Dải Gaza. Đây là điểm duy nhất đi vào Gaza mà không nằm trong sự kiểm soát của Israel.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày 20/10, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cho biết chuyến hàng viện trợ đầu tiên tới Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập sẽ được thực hiện “trong những ngày tới.”
Ông nêu rõ: “Chúng tôi đang đàm phán tích cực với các bên liên quan để đảm bảo hoạt động viện trợ ở Dải Gaza có thể bắt đầu một cách sớm nhất có thể. Đợt phân phối đầu tiên sẽ bắt đầu vào ngày mai hoặc sau đó.”
Hiện nay, hàng viện trợ thiết yếu của cộng đồng quốc tế vẫn xếp hàng dài ở bên phía Ai Cập để chờ vào Dải Gaza. Người dân Palestine ở dải đất này đang rất cần nước sạch và thực phẩm.
Việc hàng trăm nghìn người phải sơ tán khiến tình hình nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng tồi tệ. Ảnh: AP, AFP |
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đến cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza ở phía bắc bán đảo Sinai, để giám sát các nỗ lực nhằm thúc đẩy cung cấp viện trợ nhân đạo qua biên giới vào dải đất ven biển này của Palestine.
Liên Hợp Quốc đang tập trung mọi nỗ lực cho hoạt động nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo quan trọng và lâu dài cho người dân Dải Gaza.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc khẳng định những chuyến xe tải này cần phải di chuyển nhanh nhất và nhiều nhất có thể để chuyển hàng cứu trợ cho người dân Dải Gaza, tuy nhiên để làm được điều đó thì phải có “những nỗ lực bền bỉ.”
Trước khi hạ cánh xuống Ai Cập, ông Guterres đã kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza, bao gồm các dịch vụ và nhu yếu phẩm thiết yếu.
Phát biểu trên mạng xã hội X, ông Guterres tuyên bố đang ở Ai Cập với sứ mệnh nhân đạo và chứng kiến công tác chuẩn bị cung cấp hỗ trợ lớn cho dân thường ở Dải Gaza. Ông kêu gọi các nhà nhân đạo cần phải tiếp nhận được hàng viện trợ và có thể phân phát cho người dân một cách an toàn.
Theo ông Guterres, Liên Hợp Quốc cần viện trợ thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu ngay bây giờ với số lượng lớn và phải duy trì hoạt động này lâu dài.