Chiến lược then chốt để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới
Vừa qua, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức Chương trình thường niên “Đối thoại tháng 7” thị trường chứng khoán với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”.
Tại sự kiện, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm vạch ra lộ trình thiết yếu để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sánh ngang với các thị trường hàng đầu thế giới.
Phát triển số lượng các nhà đầu tư tổ chức
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư đã vượt con số 8 triệu tài khoản. Dù vậy tại Việt Nam, số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chiếm hơn 90%, trong khi ở nhiều quốc gia khác, số lượng nhà đầu tư tổ chức thường chiếm tỷ lệ cao hơn.
Nhìn nhận thẳng vào thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Đây là điểm chưa mạnh và chưa bền vững của thị trường.
Về vấn đề này, ông Chi cho biết, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận ra từ lâu, cũng đã báo cáo Thủ tướng đưa vào nhiệm vụ phát triển thị trường trong thời gian tới. Để phát triển tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều việc phải làm. Đơn cử như nhận thức và tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam ai cũng thích tự quản tài sản của mình, tự mình đầu tư chứng khoán, do đó cùng với hạn chế về năng lực trình độ nên dễ bị lôi kéo theo tâm lý đám đông.
Trăn trở về việc phải làm thế nào để thay đổi nhận thức đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, không thể đạt được mong muốn một sớm một chiều. Bên cạnh đào tạo truyền thông và nhà đầu tư tự trả giá thực tế trên thị trường thì hi vọng rằng các nhà đầu tư, những người có tiền có vốn ở Việt Nam thay đổi nhận thức để thực hiện đầu tư thông qua nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nhấn mạnh thị trường chứng khoán đã có chặng đường phát triển 24 năm, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra: “Mức thanh khoản thị trường đang đứng nhất, nhì khu vực Đông Nam Á. Với sự ủng hộ của các thành viên, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang ‘mở cửa’ để nâng hạng. Tuy nhiên, thị trường cũng giống như quán hàng ăn, nếu đồ ăn thiếu và phục vụ không tốt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời nơi khác”.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài và thị trường trong nước là mối quan hệ hai chiều: Việt Nam cần vốn, trong khi nhà đầu tư nước ngoài cần thị trường để đầu tư. Để hỗ trợ thanh toán cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty chứng khoán có thể đánh giá tín nhiệm và cung cấp dịch vụ phù hợp. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro liên quan trước khi triển khai các giải pháp này.
Việc phát triển nhà đầu tư tổ chức là điều cần thiết để xây dựng một thị trường chứng khoán vững mạnh và bền vững. Bằng cách giải quyết các vấn đề về nhận thức, tâm lý và tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tổ chức và đưa thị trường chứng khoán lên một tầm cao mới.
Liên minh nâng hạng thị trường
Phát biểu tại diễn đàn “Đối thoại tháng 7” với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là chủ trương đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao trong thời gian vừa qua. Năm 2025 cũng là mục tiêu phấn đấu để TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đặc biệt, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã cải thiện được một tiêu chí Tổ chức MSCI đưa ra. Trong ngày 19/7, Ủy ban Chứng khoán sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến lần cuối cho việc sửa đổi 4 Thông tư về thị trường chứng khoán. Dự kiến cuối tháng 7, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhà đầu tư lần cuối tại Singapore, trước khi ký ban hành.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thời gian tới, ngành sẽ tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng. Cùng với đó, các cấp quản lý sẽ tập trung cơ cấu cơ sở hàng hoá, các tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư để mở rộng hơn nữa khả năng huy động vốn, phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết. Trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng hơn trên 90%, đây là một trong những yếu tố khiến thị trường chưa ổn định, do đó cần nâng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức phải chiếm 50%-60% (như các thị trường phát triển).
Song song với các giải pháp cụ thể để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng TTCK của các tổ chức quốc tế nêu trên, UBCKNN cũng đang nỗ lực tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư và cơ cấu lại tổ chức thị trường để mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn.