Chuyên gia: Chứng khoán xuất hiện “liều thuốc tinh thần”, nhà đầu tư nên ngừng bán tháo
Chứng khoán “rực lửa”, sắp tới thế nào? Thị trường chứng khoán tích lũy, cơ hội nào cho nhà đầu tư? Thị trường chứng khoán tháng 6: Sụt giảm mạnh từ vùng đỉnh |
Chia sẻ với Báo Công Thương, chuyên gia chứng khoán Đinh Quang Hinh (Chứng khoán VnDirect) cho rằng, thị trường đã xuất hiện các thông tin hỗ trợ. Những thông tin hỗ trợ mới được công bố có thể là "liều thuốc tinh thần" giúp khôi phục lòng tin, tạo động lực cho nhà đầu tư quay trở lại thị trường, xem xét giải ngân và tiếp tục các hoạt động đầu tư. Đây là một tín hiệu tích cực, giúp thị trường có cơ hội phục hồi và tiếp tục phát triển sau nhịp điều chỉnh khá mạnh vừa qua. Tuy nhiên, việc đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng vẫn là điều cần thiết để đảm bảo các quyết định đầu tư an toàn.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng thị trường chứng khoán trong tuần qua? Có những yếu tố nào hỗ trợ hoặc kìm hãm?
Áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần 24/6 đã khiến chỉ số VN-Index giảm gần 2,2% xuống mức 1.254 điểm cùng thanh khoản tăng mạnh lên hơn 27.500 tỷ đồng. Khối ngoại đã bán ròng hơn 900 tỷ đồng, tập trung vào các mã FPT, NLG và SSI. Tăng 1,3%, KBC là một trong những điểm sáng hiếm hoi với việc tập đoàn Foxconn thông báo triển khai dự án FCPV Foxconn Bắc Ninh tại Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect. Ảnh: VND |
Thị trường diễn biến thận trọng trong ngày tiếp theo 25/6 và chỉ tăng nhẹ 0,2% lên mức 1.256 điểm. Đáng chú ý, mã VRE đã chạm trần khi kế hoạch mở trung tâm thương mại tại một số tỉnh thành trên cả nước được công bố trong khi HAH tăng 6,9% có phiên giao dịch ấn tượng nhờ hưởng lợi từ giá cước vận tải tăng cao.
Chỉ số VN-Index tiếp tục phục hồi lên mức 1.261 điểm trong phiên 26/6 nhờ lực kéo của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, tiêu biểu là mã GVR tăng 7% khi các nhà đầu tư lạc quan về kết quả kinh doanh quý II/24 của công ty với việc giá xuất khẩu cao su tăng. Dù vậy, đây đã là phiên thứ 15 liên tiếp khối ngoại bán ròng, tập trung vào cổ phiếu FPT và MWG.
Thị trường chứng khoán tiếp tục cho thấy sự lưỡng lự trong ngày 27/6 khi chỉ số VN-Index giảm 0,2% xuống mức 1.259 và thanh khoản đã giảm khoảng 20% so với phiên giao dịch trước đó. Nhóm bảo hiểm diễn biến tích cực với MIG tăng 6,7%, BVH tăng 2,8% và BIC tăng 1,1% đồng loạt tăng.
Tuy vậy, VN-Index giảm mạnh trong phiên cuối cùng của quý II với sắc đỏ bao trùm, phá vỡ mốc tâm lý 1.250 khi giảm 13,7 điểm. Khối ngoại tiếp tục áp lực bán ròng với giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. Kết tuần, VN-Index giảm 2,9% xuống mức 1.245 điểm, HNX-Index giảm 2,8% còn 237,6 điểm và UPCOM-Index giảm 3% xuống 97,5 điểm.
Tuần này, VRE tăng 2,3%, BVH tăng 1,9% và EIB tăng 1,9% là các mã chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, BID giảm 5,2%, FPT giảm 4,1% và TCB giảm 4,7% là các nhân tố gây áp lực lên chỉ số chung.
Thanh khoản tuần này giảm 5,6% xuống 22,015 tỷ đồng mỗi phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng 4.449,7 tỷ đồng trên cả 3 sàn, giảm nhẹ 8,9% so với tuần trước đó.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nên làm gì trong tuần giao dịch đầu tháng 7/2024, thưa ông?
Sau một tuần điều chỉnh và chỉ số VN-Index đánh mất mốc tâm lý 1.250 điểm, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ vào cuối tuần. Vào tối ngày 28/6 (giờ Việt Nam), Mỹ đã công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). PCE toàn phần đi ngang trong tháng 5 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đều sát với dự báo của thị trường.
Trong khi đó, PCE lõi trong tháng 5 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và cũng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đều đúng với dự báo của phố Wall và đánh dấu mức tăng theo năm thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021.
Số liệu lạm phát mới công bố của Mỹ là thông tin thị trường mong đợi, củng cố cho kỳ vọng về việc Fed có thể cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024. Theo FedWatch Tool của CME Group, các nhà giao dịch hiện đang nghiêng về kịch bản FED hạ lãi suất sớm nhất vào cuộc họp tháng 9 tới và có 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Trong nước, vào sáng ngày 29/6, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố số liệu vĩ mô quý II năm 2024 với kết quả tích cực. Cụ thể, GDP quý II tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ, vượt dự báo của thị trường. Động lực tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 10%, cải thiện đáng kể so với mức tăng 7,2% trong quý I/2024. Ngành dịch vụ cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng cải thiện hơn. Với kết quả tích cực này, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt cận trên mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%.
Tuy vậy, vẫn còn đó áp lực nhất định về lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 4,34% so với cùng kỳ, chỉ giảm nhẹ so với tháng trước đó và vẫn ở mức khá cao. Diễn biến lạm phát vẫn cần theo dõi chặt chẽ trong các tháng tới.
Nhìn chung, những thông tin hỗ trợ mới được công bố có thể là “liều thuốc tinh thần” với nhà đầu tư sau nhịp điều chỉnh khá mạnh vừa qua. Phiên đầu tuần tới sẽ là một phiên khá quan trọng khi chỉ số VN-Index xác nhận xem có thực sự đánh mất mốc tâm lý 1.250 điểm hay không. Đồng thời, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp diễn.
Do vậy, nhà đầu tư nên ngừng bán tháo ở vùng này vì chúng tôi cho rằng nắm giữ cổ phiếu ở vùng này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận khá tích cực trong vòng 3 tháng tới. Nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị sẵn sàng giải ngân quyết liệt nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.220 điểm, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!