Chỉ 65% UBND cấp huyện công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất
4 phương pháp định giá đất trong Luật Đất đai 2024 Trường hợp diện tích đất thực tế chênh lệch so với sổ đỏ: Xử lý ra sao? Nhiều địa phương chậm cải thiện việc công khai thông tin đất đai |
Tọa đàm “Rà soát việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2023” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW) và Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) cùng phối hợp tổ chức vào ngày 12/3.
Theo đó, công khai thông tin đất đai là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quản trị công ở Việt Nam. Kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) liên quan đến quản lý đất đai từ năm 2011 đến 2022 cho thấy, việc công khai thông tin đất đai quan trọng, bao gồm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất ở địa phương để dân biết và dân bàn, còn nhiều hạn chế.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Thúy |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: “Việc công khai minh bạch thông tin đất đai là rất quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro về khiếu nại và xung đột liên quan đến đất đai. Chúng tôi tin tưởng, đánh giá thường niên này sẽ cung cấp cho lãnh đạo chính quyền địa phương một công cụ để theo dõi việc thực thi luật pháp liên quan đến công khai thông tin đất đai cho người dân. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ tháng 1 năm sau”.
Chia sẻ về kết quả nghiên cứu “Đánh giá vòng 3 việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2023”, ThS. Lại Thị Lan Vy, Cán bộ chương trình, Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ cho biết, các thông tin và dữ liệu trên cổng điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện có cải thiện đáng kể sau ba vòng đánh giá.
ThS. Lại Thị Lan Vy chia sẻ về kết quả nghiên cứu đánh giá vòng 3 việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh. Ảnh: BTC |
Cụ thể, về việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh, tính đến ngày 6/10/2023, 73% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 8,1% so với kết quả rà soát năm 2022 và tăng 31,1% so với kết quả rà soát năm 2021.
Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến hết ngày 6/10/2023, trong tổng số 705 UBND cấp huyện trên toàn quốc, 65,4% đã công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tăng 16,5% so với năm 2022. Về tính đầy đủ, trong số các UBND cấp huyện đã công khai thông tin, 54,2% đã đăng tải đầy đủ 3 văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2023, trong số 705 UBND cấp huyện có 65,2% đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trên cổng thông tin điện tử của mình, tăng 17,3% so với năm 2021 và tăng 10% so với năm 2022. Trong số này chỉ có 22,8% ban hành kế hoạch sử dụng đất đúng thời hạn và chỉ có 7% đăng tải thông tin đúng thời hạn.
Sự kiện nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và trao đổi hàm ý chính sách và thực tiễn với các bên liên quan. Đồng thời, thúc đẩy những thực hành tốt trong công khai thông tin đất đai, cung cấp dẫn cứ hướng tới cải thiện việc thực thi chính sách đất đai phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.
Luật Đất đai 2013 và Luật Tiếp cận thông tin 2016, việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất là một trong những nhiệm vụ mà chính quyền địa phương phải thực hiện nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, hướng tới quản trị đất đai tốt tại Việt Nam. |