Cao Bằng: Phát triển sản phẩm nông sản đặc thù vùng đồng bào dân tộc
Cao Bằng đưa khuyến công lên vùng cao Cao Bằng: Bảo tồn nghề làm hương truyền thống của người Nùng An |
Cao Bằng là một trong những tỉnh nghèo ở khu vực miền núi phía Bắc với 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là Tày, Nùng, Mông, Dao…
Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Trong đó, chú trọng phát triển các mô hình liên kết, tiêu thụ nông sản của đồng bào. Nhiều mô hình liên kết được hình thành, tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất giống lạc vụ hè thu với Công ty TNHH nông lâm nghiệp huyện Hà Quảng; mô hình sản xuất ngô lạc hàng hóa cung cấp nguyên liệu cho chế biến mì ngô tách đường; mô hình liên kết sản xuất cây ngô ngọt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng tới tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung…
Tham gia hội chợ, triển lãm là cơ hội xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản (Ảnh: Công Hải) |
Để nông sản Cao Bằng phát huy tối đa giá trị, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp tỉnh Cao Bằng từng bước thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Nhiều sản phẩm đặc sản của Cao Bằng đã khẳng định được vị trí trên thị trường, trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã có 58 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đang trong quá trình xét, công nhận thêm gần 40 sản phẩm khác. Nhiều sản phẩm OCOP của Cao Bằng đã xây dựng được thương hiệu và chinh phục người tiêu dùng cả nước. Điển hình như các sản phẩm miến dong Tân Việt Á của Hợp tác xã Tân Việt Á, lạp sườn của Hợp tác xã Tâm Hòa hay chiếu trúc của Công ty TNHH 688 Cao Bằng…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đơn cử như Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm đã liên kết, bao tiêu sản phẩm gạo nếp hương của nông dân; đồng thời, xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường. Sau khi được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, diện tích trồng gạo nếp hương tại huyện Bảo Lạc liên tục tăng, đạt 165 ha/vụ, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha. Tuy năng suất của gạo nếp hương thấp hơn nhiều giống lúa khác, nhưng giá bán cao gần gấp 3 lần, qua đó giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.
Nhân rộng mô hình hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản sạch (Ảnh: Thùy Như) |
Đặc biệt, để các nông sản sạch, chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Cao Bằng đã tích cực đưa sản phẩm lên nhiều sàn thương mại điện tử có uy tín. Cụ thể, hơn 330 sản phẩm nông sản của Cao Bằng đã đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart như: Thạch đen, lạp sườn, hạt dẻ, miến dong, bún khô, bí thơm, dao Phúc Sen, trà, nhóm mặt hàng tinh dầu, rượu ngô, hoa hồi khô, giảo cổ lam, nấm hương rừng, gạo nếp, thịt hun khói… Số truy cập và đăng ký mua hàng trung bình đạt hàng nghìn lượt người/tháng.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quảng bá, bà con đã có điều kiện để phối hợp, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng trên sàn thương mại điện tử, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.
Xác định được các nông sản đặc thù theo vùng, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được triển khai nhân rộng. Qua đó, tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Nằm trên địa bàn huyện Hòa An, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, HTX Án Lại chọn mô hình phát triển vùng nguyên liệu dong riềng để tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng. Nhờ nguồn vốn cho vay từ các chương trình mục tiêu quốc gia, HTX đã đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng để tăng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, HTX Án Lại còn bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hàng trăm hộ liên kết trong xã với sản lượng trung bình 6 tấn/hộ/năm.
Tháng 6/2012, HTX Tâm Hòa được thành lập với mong muốn đưa các sản phẩm đặc sản của Cao Bằng ra thị trường rộng lớn hơn. Sau khi thành lập HTX, sản phẩm lạp sườn thương hiệu Tâm Hòa nhiều năm liền được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Nhờ đó, HTX Tâm Hòa từng bước tạo được uy tín với khách hàng, được tham dự các hội chợ thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm vùng, hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước. Trong năm 2022, sản phẩm lạp sườn Tâm Hòa đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện sản phẩm đã có mặt tại hơn 500 đại lý, điểm bán, chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Một mô hình khác đạt hiệu quả kinh tế cao là HTX Nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Sản phẩm nấm hương của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, quá trình sản xuất được quan tâm nên chất lượng nấm đảm bảo, có hương thơm và chất lượng đặc trưng, được người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, HTX tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.