Cao Bằng: Bảo tồn nghề làm hương truyền thống của người Nùng An
Hiện nay, huyện Quảng Uyên là nơi tồn tại và phát triển hầu hết các nghề thủ công truyền thống của đồng bào Nùng An ở Cao Bằng, trong đó nghề làm hương Phia Thắp đã tồn tại hàng trăm năm nay. Từ những nguyên liệu tự nhiên của núi rừng như: Cây mai, cây bầu hắt, vỏ cây gạo, vỏ cây thông đỏ, mùn cưa…, đồng bào Nùng An đã tạo ra những nén hương có mùi thơm tự nhiên, dễ cháy và bảo quản được lâu.
Nghề làm hương Phia Thắp đã tồn tại hàng trăm năm nay |
Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn tự nhiên, theo cách cổ truyền của bà con Nùng An. Để làm được que hương, đầu tiên bà con nơi đây phải vào rừng tìm hái lá cây bầu hắt. Loại cây này chỉ mọc tự nhiên bên những vách đá. Đây là nguyên liệu để tạo nên chất keo dính - thành phần không thể thiếu khi làm hương. Lá bầu hắt đem về được phơi khô khoảng ba ngày, sau đó tán nhỏ để làm keo. Trong khoảng thời gian chờ khô lá, bà con sẽ làm chân hương. Chân hương ở đây thường được bà con Nùng An làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai, vừa thẳng, vừa dẻo lại dễ bắt lửa.
Tất cả các công đoạn chẻ mai, vót nhỏ đều được bà con làm hoàn toàn bằng tay. Những que mai vẫn tròn đều, thẳng tắp chẳng khác gì làm bằng máy. Tiếp đến là công đoạn phủ trầm, cây nhang sẽ được nhúng vào lớp keo lá, rồi rắc bột mùn cưa lên. Mùn cưa của những cây tràm, cây mạy khảo, được người dân chặt trước cả năm, để hóa mùn rồi mới đem trộn với trầm hương. Ngày có nắng, bà con sẽ đem hương ra phơi. Hương Phia Thắp được người Nùng An phơi khô tự nhiên. Hương thành phẩm được cắm vào các ống tròn làm bằng bê tông hoặc người dân tận dụng khu ruộng cạn để phơi.
Ngày nắng, hương được phơi khắp các con đường trong bản Phia Thắp |
Đối với đồng bào Nùng An, làm hương mục đích chính vẫn là để phục vụ tổ tiên, phong tục tập quán. Những năm gần đây, hòa nhập với cơ chế thị trường, đồng bào Nùng An đã mang sản phẩm bán tại các phiên chợ, điểm du lịch… cho du khách thập phương. Nhờ vậy, các hộ đồng bào đã có thêm thu nhập từ nghề làm hương truyền thống.
Tuy nhiên, do được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự chăm chút tỉ mẩn cao độ nên đã có những thời điểm, nghề làm hương Phia Thắp đứng trước nguy cơ dần mai một. Trước tình hình đó, nhằm giữ gìn và quảng bá những nét văn hóa độc đáo của địa phương, từ năm 2016, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 thôn bản được tỉnh Cao Bằng đầu tư làm du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác tài nguyên văn hóa của các dân tộc bản địa. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng An mà còn giúp bà con thoát nghèo bền vững. Hương có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nùng An, do đó, nghề làm hương được gìn giữ, trao truyền qua nhiều đời. Hiện nay, làng nghề này cũng là địa chỉ du lịch được nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm.
Việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống là một nét riêng biệt, độc đáo của người Nùng An. Làm hương truyền thống vừa giúp giải quyết việc làm cho dân bản trong những ngày nông nhàn, vừa tạo thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho bà con.