Các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay từ đầu năm 2024
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng theo đúng mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra. |
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú: Đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay của các giao dịch phát sinh mới của nhiều Ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm hơn 2,5% so với cuối năm 2022. Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác của NHNN Việt Nam, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN Việt Nam về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD), ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2024, Agribank tiếp tục điều chỉnh chính sách lãi suất đối với cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng, đồng thời điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, Agribank còn triển khai 3 chương trình giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu của gần 2 triệu khách hàng với số tiền giảm lãi ước tính lên tới hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2023 và sẽ tiếp nối thực hiện trong năm 2024.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đang triển khai Chương trình “Vay ưu đãi-Rồng phát tài”. Từ nay đến hết ngày 31/12/2024, SHB dành 18.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống như mua nhà, mua xe ô tô... với lãi suất từ 6,79%/năm.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi một cách nhanh chóng, tiện lợi, SHB áp dụng các chính sách linh hoạt, tối giản về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Cùng với việc giảm mạnh lãi suất cho vay, nhiều NHTM như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, SeABank... cũng thường xuyên rà soát các quy định vay vốn nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với khách hàng; tăng cường ứng dụng công nghệ trong phê duyệt hồ sơ vay vốn để rút ngắn thời gian giải ngân. Đồng thời xây dựng quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ...
Bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Thương hiệu Công ty Cổ phần Bất động sản Tuấn 123 cho biết: “Việc nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay từ đầu năm là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm lãi suất thì các ngân hàng cũng cần đơn giản hóa quy trình cho vay hơn nữa để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn. Đơn cử như việc miễn, giảm hồ sơ vay vốn, hồ sơ thực tiễn sử dụng nguồn vốn sau khi đã vay từ ngân hàng. Ngoài ra, hiện nay một số doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh mà lại chỉ cần vốn vay để trả lương cho người lao động nhằm duy trì hoạt động thì cũng cần xem xét ưu tiên, hỗ trợ”.
Theo TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME): Đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay là việc làm thiết thực lúc này của ngành ngân hàng. Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm nhiều nhưng nút thắt vẫn là khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn vẫn có lợi thế khi vay vốn ngân hàng bởi giá trị khoản vay cao, chi phí quản lý nhỏ nên dễ được giải ngân hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do năng lực quản trị hạn chế, thiếu các điều kiện vay vốn, không chứng minh được phương án kinh doanh khả thi... nên khó tiếp cận vốn ngân hàng mặc dù họ thực sự có nhu cầu về vốn.
Theo đó, các ngân hàng cần tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc cung cấp báo cáo tài chính chuẩn mực, phương án kinh doanh hiệu quả... Bản chất của việc cho vay là phải tìm đúng đối tượng để cấp vốn, từ đó giúp doanh nghiệp đầu tư, mở rộng hoạt động SXKD, tạo ra việc làm, của cải vật chất cho xã hội. Khi đó thì tăng trưởng tín dụng mới thực sự hiệu quả, an toàn và bền vững.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Mức tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 là hoàn toàn có thể đạt được do tình hình kinh tế đã sôi động hơn, nhu cầu vay vốn từ đầu năm đã có những tín hiệu tích cực. Kinh tế Việt Nam đang đi theo hình chữ U, chúng ta đã vượt qua thời điểm tăng trưởng thấp và đang trên đà phục hồi. Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cần quan tâm nhiều hơn đến cho vay tín chấp, trong đó chú trọng dòng tiền trả nợ và hiệu quả phương án kinh doanh của doanh nghiệp hơn là tài sản bảo đảm”.