Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc vào ngày 08/0/2023, dân số hiện tại của Việt Nam là hơn 99,4 triệu người. Chính vì vậy, người tiêu dùng là nguồn sống của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thành công hay thất bại là do người tiêu dùng quyết định. Điều này cho thấy, người tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hệ thống pháp luật như Pháp lệnh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được lần lượt ra đời.
Báo Công Thương tổ chức Toạ đàm “Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” vào lúc 10h ngày 24/11. |
Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 và thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi, nhanh chóng đưa các quy định của Luật đi vào thực tiễn cuộc sống; thực hiện phân công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi Luật được thông qua, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Dự thảo Nghị định).
Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 857/QĐ- TTg quy định Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời hạn trình Chính phủ là tháng 12 năm 2023.
Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định và thông tin đầy đủ, đa chiều hơn, có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định; Báo Công Thương tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng hướng đến việc tạo ra diễn đàn để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về một số vấn đề được dự thảo trong Nghị định, trong đó có nội dung liên quan đến ngành bán hàng theo phương thức đa cấp - thị trường doanh thu tới 21.000 tỷ trong năm 2022, mang lại thu nhập 7.500 tỷ cho hàng trăm nghìn người tham gia bán hàng đa cấp, đóng góp hơn 2.400 tỷ cho Ngân sách nhà nước.
Toạ đàm có sự tham gia của đại diện: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), Hiệp hội Bán hàng Đa cấp, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam cùng chuyên gia kinh tế am hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại Toạ đàm, các diễn giả sẽ cũng nhau trao đổi về một số quy định đã được sửa đổi, bổ sung với nhiều điều khoản, quy định mới, từ đó giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Tọa đàm “Góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” sẽ được tổ chức vào lúc 10h ngày 24/11, tại Phòng trực tuyến của Báo Công Thương, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, Hà Nội; phát trực tiếp trên Báo Công Thương điện tử (congthuong.vn); Fanpage; Youtube; Tiktok Báo Công Thương. |