Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng
Bảo vệ người tiêu dùng: Doanh nghiệp chủ động vào cuộc | |
Giải pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng | |
Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng |
Thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội và Chính phủ giao, trong thời gian qua, Bộ CôngThương đã kịp thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó, tập trung mạnh hoạt động lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật thông qua nhiều hình thức, đa dạng, hiệu quả.
Cụ thể, trong gia đoạn từ tháng 1 đến tháng 5/2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành thực hiện báo cáo nghiên cứu tổng kết việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010; rà soát các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổng kết kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hội thảo trao đổi, hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Hà Nội tháng 7/2022 |
Tiến hành đồng thời nhiều hoạt động lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và tài liệu liên quan theo quy định tại Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như: Đăng tải Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Công Thương; đăng tải trên website/ứng dụng của các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam; gửi văn bản xin ý kiến các đối tượng liên quan; tổ chức tọa đàm đối thoại, hội thảo trao đổi về nội dung Dự thảo Luật; xây dựng chuyên mục thông tin trên một số báo điện tử; đặc biệt, đã phối hợp với các tổ chức, Hiệp hội lớn như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để tổ chức hoạt động xin ý kiến các thành viên liên quan.
Tính đến cuối tháng 5 năm 2022, Dự án Luật đã nhận được ý kiến đóng góp của 21/28 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 54/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và nhiều ý kiến đóng góp của công ty luật, doanh nghiệp, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức quốc tế và nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Chuyên gia quốc tế cho ý kiến trao đổi tại Hội thảo trao đổi, hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tháng 7/2022 |
Không chỉ giới hạn ý kiến trong nước, Bộ Công Thương đã đồng thời tổ chức các hoạt động để tham vấn, xin ý kiến của các chuyên gia thuộc các tổ chức, quốc gia có kinh nghiệm phát triển về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhờ quá trình lấy ý kiến được thực hiện xuyên suốt, đa dạng, đồng thời, với sự nghiêm túc, cẩn thận của Bộ Công Thương trong quá trình tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến, về mặt cơ bản, các ý kiến của các chủ thể liên quan đều đánh giá cao tính đầy đủ, phù hợp của Dự thảo Luật với bối cảnh tình hình mới.
Trong quá trình tham gia ý kiến, nhiều nội dung đã được các bên liên quan góp ý trực tiếp, góp phần đảm bảo tính chính xác, tính rõ ràng của Dự thảo Luật, như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch trên không gian mạng; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng;…
Các đai biểu dự Hội thảo cho ý kiến đối với nội dung Dự thảo Luật |
Ngày 08 tháng 6 năm 2022, Bộ Công Thương đã có Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong thời gian tới, Dự án Luật sẽ tiếp tục được lấy ý kiến của các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện, chỉnh lý trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt trình Quốc hội vào tháng 10 năm 2022.
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật) cho biết: Công tác xây dựng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm và hợp tác của rất nhiều các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bởi, Ban soạn thảo và Tổ biên tập của Dự án Luật gồm nhiều thành viên đến từ các cơ quan, bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức hiệp hội, các tổ chức phi Chính phủ và các cá nhân có liên quan. Các thành viên đã đóng góp rất tích cực cho các nội dung của Dự thảo Luật. Đây là một trong những điểm thuận lợi của quá trình xây dựng Dự thảo và chúng tôi cũng mong nhờ đó mà Dự thảo Luật sẽ có những điểm mới, phù hợp, đáp ứng với các yêu cầu của thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.