Loạn bác sĩ, dược sĩ quảng cáo sữa trái pháp luật, vai trò Bộ Y tế ở đâu?
Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng, giải quyết căn cơ tình trạng y bác sĩ thôi việc Bác sĩ gốc Việt xây dựng dự án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cộng đồng LGBT
|
Sau khi Báo Công Thương phản ánh, trang TikTok xưng danh loạt bác sĩ và dược sĩ liên quan đến quảng cáo sữa đã âm thầm gỡ bỏ các clip truyền thông thiếu lành mạnh trên.
Trao đổi với phóng viên, một vị lãnh đạo đơn vị quản lý cạnh tranh của Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, những việc làm trên là dấu hiệu cho thấy vi phạm Luật Cạnh tranh về hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Quy định tại điểm b, khoản 5, điều 46 Luật Cạnh tranh nêu rõ: "Cấm so sánh hàng hoá của mình với hàng hoá của doanh nghiệp khác...". Cùng đó là các qui định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm ở Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm.
Một vấn nạn liên quan khác là việc các nhân viên y tế, bác sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Một dạo tràn lan hiện tượng các cá nhân núp danh các đơn vị chữa bệnh lớn như Bệnh viện 108, Bệnh viện Nội tiết... để đưa ra các "lời khuyên", "tư vấn" y như thật về tác dụng của các loại thực phẩm này. Hiện tượng núp bóng này đã gây không ít phiền toái cho các cơ sở chữa bệnh có uy tín, có thương hiệu nhưng nguy hại hơn là hướng sự quan tâm không thích đáng và tạo niềm tin sai lệnh hết sức nguy hiểm về vai trò của các loại thực phẩm này khi chúng chỉ đóng vai trò bổ sung (chỉ ở mức độ nhất định) chứ không thể là "thần dược" chữa bách bệnh.
Bác sĩ giả, lương y giả tham gia "lăng xê" thực phẩm chức năng đã đành nhưng nguy hại hơn, quan ngại hơn là gần đây còn có cả bác sĩ thật, lương y thật cũng tham gia vào "trận địa" giới thiệu này khi bán cả tên tuổi, bán cả hình ảnh của mình trên sóng, trên các clip bủa vây người xem trên các kênh truyền dẫn hình ảnh. Y đức của những cá nhân y bác sĩ này để ở đâu, cất ở đâu?
Cần khẳng định rất rõ rằng đã có những quy định pháp luật theo đó bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng đều là vi phạm quy định pháp luật hiện hành, kể cả những hình thức "tinh vi" như thư cảm ơn của bệnh nhân, rồi những lời khuyên của bác sĩ A, bác sĩ B bỗng "bật ra" trong các đối thoại của các nhân vật trên sóng truyền hình.
Rõ ràng là hành vi này rất cần được xử lý nghiêm túc bởi nó liên quan trực tiếp, tác động trực tiếp đến việc phòng, chữa bệnh (là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn đặc thù) trong khi tâm lý con người ta dễ là "có bệnh thì vái tứ phương".
Điều đáng nói là vấn nạn này đã kéo dài nhiều năm song không khó để nhận thấy vai trò mờ nhạt trong xử lý của cơ quan chuyên môn cao nhất về bảo vệ sức khoẻ ở Việt Nam là Bộ Y tế. Nếu như Bộ Y tế không buông lỏng vai trò chuyên môn phải có, không bỏ trống một "trận địa" thuộc chính thẩm quyền quản lý nhà nước của mình thì "loạn" bác sĩ, dược sĩ quảng cáo các loại thực phẩm chức năng, các loại sữa đã không thể xảy ra như đã thấy trong thời gian qua.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu Bộ Y tế và các cơ quan chức năng khác có đủ sức để dẹp loạn này hay không?
Sữa là mặt hàng tiêu dùng cần thiết của đời sống song quản lý thông tin quảng cáo còn nhiều bất cập. Ảnh minh hoạ |
Trở lại câu chuyện cuộc chiến giữa các loại sữa, thế nào là sữa tươi, thế nào là sữa bột, thế nào là sữa trái cây và rốt cục nên dùng loại nào đang ồn ào mạng xã hội mấy ngày nay, cũng không phải mới. Chỉ tính từ năm 2012 trở lại đây, những ai tinh ý sẽ nhận ra cứ độ 1 - 2 năm lại xảy ra những “cuộc chiến” truyền thông mà đăng đàn là những “chiên za” tự phong, đeo khẩu trang trên các đoạn clip khuyên sữa này nên dùng vì sữa kia có thể thế này thế khác.
Phỏng vấn mấy ông đại diện các nền tảng xã hội chuyên “chắp cánh” cho các đoạn clip ấy, thấy lạ là các ông này trả lời y như đang ở trên mây, y như đang đóng vai bình vôi trong các trò chơi truyền thông. Rằng “chúng tôi cung cấp công cụ để truyền tải thông tin, công cụ để nếu các cơ quan quản lý thấy sai để rồi còn gỡ” (!).
Ô hay! Sao mà các ông này lại coi đám quần chúng đang xài các “công cụ” ấy của mấy ông như một đàn gà, còn các cơ quan quản lý thì như người đi dạo vậy nhỉ. Phải chăng để nhỡ có vụ việc gì thì các ông phủi tay, rồi đợi yên ắng lại tiếp tục chuyển sang chương mục khác vẫn với bản chất “bẩn” được xức nước hoa sặc sụa.
Nghĩ cũng thương cho các vị chuyên gia chân chính. Đăng đàn trả lời trên các kênh truyền thông chính thống trong khi tần suất không thể địch được với tốc độ chạy của các clip được chạy hàng phút, hàng giây trên mạng xã hội thì bên cạnh cái cần thiết đã đành nhưng lại rất dễ bị quy cho việc quảng cáo trá hình cho loại sữa này sữa kia. Nhưng xin thưa, các vị vẫn phải vào cuộc bằng chính trách nhiệm của mình, đừng để mấy ông, mấy bà nghệ sĩ và các "đồng nghiệp giả" làm thay việc.
Câu chuyện về các clip giới thiệu sữa trên các mạng xã hội trong lần tái xuất này vẫn khoét sâu vào một điểm yếu thâm căn cố đế của hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam khi thiếu hẳn những tiêu chí rạch ròi, cơ bản về thành phần, hàm lượng để gọi thế nào là sữa bột, sữa tươi, sữa trái cây. Trong khi đó, các quy định xử phạt quảng cáo sai lại khá đầy đủ nhưng (đành phải tặc lưỡi) đã phạt được mấy ai đâu, chứ chưa nói đến chuyện đủ sức răn đe!
Những clip ấy làm xáo động tâm can, rối loạn sự lựa chọn của không ít người bà, người mẹ với sức khoẻ, trí tuệ hiện tại của con mình, cháu mình ở một giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời một con người. Các clip này mà bản chất không gì khác hơn là ba chữ “truyền thông bẩn” được mạng xã hội tiếp sức không chỉ đánh đúng mà còn đánh thẳng vào mối quan tâm hàng đầu của đa phần người dân là muốn tạo dựng một nền tảng tốt nhất cho con cháu mình. Trong khi đó, những đối tượng đăng đàn lẫn lẩn sau màn hình của các clip ấy không mảy may chịu phần nghìn, phần trăm nào về trách nhiệm.
Nhìn rộng ra, phải chăng các clip này là phần nổi của tảng băng chìm về sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng sữa đang hoạt động trên thị trường Việt Nam lẫn các hãng sữa ngoại vào Việt Nam bằng con đường “xách tay”, “cắp nách”.
Rõ ràng với việc cuộc chiến clip sữa mấy ngày nay đủ để thấy rằng mạng xã hội hiện không phục vụ lợi ích xã hội. Và đó hẳn là lý do để cần thiết các cơ quan chức năng phải mạnh tay, rất mạnh tay xử lý.
Bởi nếu không xử lý thì sẽ còn phải đợi bao lâu nữa?
Những hiện tượng "loạn" quảng cáo rồi loạn clip như trên vẫn đang xảy ra công khai như một sự thách thức khi trong thời gian này Quốc hội đang tiến hành kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung quan trọng về kinh tế và xã hội của đất nước.
Liệu có cần một chương trình giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các quy định liên quan đến bảo vệ sức khoẻ của người dân hay không?