Bắc Kạn: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bắc Kạn: Tăng sự hiện diện của hàng Việt Bắc Kạn: Trợ sức cho phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu |
Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 (Chương trình MTQG), huyện Pác Nặm định hướng thực hiện 04 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về chăn nuôi và trồng trọt tại 02 xã Bằng Thành và Bộc Bố. Cụ thể, huyện sẽ triển khai 02 dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa, quy mô 100 con/ 01 dự án ở xã Bằng Thành; 01 dự án trồng lê quy mô 05 ha và 01 dự án chăn nuôi bò sinh sản quy mô 30 con tại xã Bộc Bố. Các dự án sẽ được ưu tiên triển khai thực hiện tại những thôn vùng cao, nơi tập trung nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bản Nghè (huyện Pác Nặm) thu hoạch rau xanh |
Các hộ tham gia dự án sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ con giống, thức ăn, vật tư, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, dự án hướng tới mục tiêu tạo thành sản phẩm hàng hoá, góp phần nâng cao giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Năm 2023, huyện Bạch Thông được giao gần 60 tỷ đồng cho 10 dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến thời điểm hiện nay đã giải ngân vốn đầu tư được gần 2 tỷ đồng, đạt 6,8% kế hoạch; vốn sự nghiệp giải ngân được 68 triệu đồng, đạt 0,03% kế hoạch. Hiện huyện Bạch Thông đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án và đưa ra giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, các dự án về đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Bắc Kạn triển khai ngay từ năm 2022. Đây là dự án được thực hiện đối với các chợ trong quy hoạch, thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, ưu tiên các chợ đang hoạt động nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chợ phiên tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông |
Theo đó, năm 2022, Bắc Kạn đã khởi công xây mới 2 chợ: Chợ Hiệp Lực (xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn) và chợ Công Bằng (xã Công Bằng, huyện Pác Nặm). Đồng thời, tiến hành cải tạo và nâng cấp 2 chợ: Chợ Bằng Thành (xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm) và chợ Thuần Mang (xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn). Dự kiến các chợ xây mới và cải tạo, nâng cấp sẽ đưa vào sử dụng trong cuối quý II/2023. Năm 2023, theo kế hoạch sẽ thực hiện xây mới đối với chợ Quang Phong (xã Quang Phong, huyện Na Rì) và cải tạo, nâng cấp đối với chợ Tinh (xã Yên Hân, huyện Chợ Mới).
Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung mở các tuyến đường lâm nghiệp; xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung; phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… Những năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng... đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, Bắc Kạn cũng đã xây dựng và nhân rộng mô hình hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo; tạo việc làm ổn định; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, dạy nghề cho các hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh và của Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |