Bắc Kạn: Tăng sự hiện diện của hàng Việt
Ông Chu Văn Thống
Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của CVĐ sau gần 6 năm triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn?
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tỉnh Bắc Kạn đã tham gia CVĐ ngay từ những năm đầu tiên. Sau gần 6 năm, đến nay, CVĐ đã đạt được những kết quả tích cực. Thứ nhất, nhận thức của người tiêu dùng Bắc Kạn về mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Mỗi phiên chợ hàng Việt, mỗi chuyến bán hàng lưu động hay đưa hàng Việt về nông thôn luôn thu hút hàng nghìn người tham gia với doanh số tương đối khả quan. Thứ hai, CVĐ cũng mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho DN khi các DN không những tiêu thụ được hàng hóa mà còn tận dụng thu mua nông sản, đặc sản… của bà con ngay trong những phiên chợ, chuyến hàng về nông thôn, giảm thiểu tối đa chi phí khi phải tự tổ chức các chuyến hàng về địa phương để thu mua hàng hóa.
Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại TP. Bắc Kạn thu hút đông người tiêu dùng
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng để hàng Việt đến với người dân Bắc Kạn còn một số vấn đề phải quan tâm. Cụ thể, ở Bắc Kạn, 80% dân số là bà con nông dân miền núi, thu nhập thấp, khả năng thanh toán hạn chế nên hàng hóa của DN phải đảm bảo có giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải có chất lượng đảm bảo thì mới lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Bởi với bà con vùng cao, nếu đã một lần mua phải hàng không tốt thì lần sau, khi DN đó mang hàng đến sẽ rất khó bán.
Là người đã gắn bó với CVĐ nói chung và những chuyến hàng về nông thôn, miền núi nói riêng trong suốt gần 6 năm qua, theo ông, DN gặp phải khó khăn gì khi mang hàng đến vùng nông thôn, miền núi để bán?
DN gặp rất nhiều khó khăn khi bán hàng tại khu vực này bởi khu vực nông thôn, miền núi Bắc Kạn đường xá đi lại rất khó khăn, chi phí vận chuyển lớn. Bên cạnh đó, với đặc thù là miền núi, các DN mang hàng hóa đi phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa phải chờ đến phiên chợ mới bán được hàng (5 ngày/phiên). Các cụm bản, xã thường cách xa nhau, không gian phiên chợ hẹp và ngày chợ, bà con đến đông nên để kiếm được địa điểm bán hàng vừa ở trung tâm, vừa đủ rộng, thu hút được người tiêu dùng hoàn toàn không phải việc dễ dàng. Để hỗ trợ cho các DN tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi bằng nguồn vốn địa phương và Trung ương, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ cho DN chi phí vận chuyển, tổ chức điểm bán và tuyên truyền quảng cáo.
Với những khó khăn như vậy, việc xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định trên địa bàn Bắc Kạn có ý nghĩa ra sao với việc hỗ trợ DN và người tiêu dùng Bắc Kạn mua và tiêu thụ hàng hóa chính hãng, thưa ông?
Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng một điểm bán hàng Việt cố định tại TP. Bắc Kạn. Ngoài hàng tiêu dùng thiết yếu, có 14 DN và 14 mặt hàng tiêu biểu của địa phương được bày bán tại đây. Theo tôi, điểm bán hàng mang lại rất nhiều lợi ích cho DN vì vừa giúp bà con dễ dàng mua được hàng hóa thiết yếu, vừa giúp DN có cơ sở phân phối cố định, không phải tốn kém chi phí vận chuyển, không phải chờ đến chợ phiên để mua hàng. Không chỉ phục vụ bà con trên địa bàn tỉnh, về lâu dài, đây sẽ là điểm kết nối cung cầu hàng hóa với Bắc Kạn và các địa phương lân cận.
Ngoài điểm bán hàng Việt Nam tại TP. Bắc Kạn, trong năm 2016, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn sẽ xây dựng thêm một điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Ba Bể để phục vụ bà con trên địa bàn huyện cũng như du khách đến với địa phương.
Ngoài những điểm bán hàng Việt Nam cố định, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả CVĐ, tỉnh Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
Để nâng cao hiệu quả CVĐ, trước hết, công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các kênh truyền thông, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… để bà con tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và sử dụng hàng Việt Nam, bên cạnh đó, huy động sự vào cuộc của DN trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục xin cơ chế để xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định trên địa bàn, ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả người tiêu dùng và DN mua sắm và sử dụng hàng hóa, mang lại hiệu quả tốt nhất cho CVĐ.
Xin cảm ơn ông!
Phương Lan thực hiện