Áp lực tồn kho có thể kéo giá dầu suy yếu
Giá dầu gặp áp lực sau khi báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) bất ngờ cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng mạnh tới 9,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/3, trái ngược hoàn toàn với dự đoán giảm nhẹ của thị trường.
Thông thường, các kho dầu của Mỹ cũng thường xây dựng lượng tồn kho tích trữ vào khoảng tháng 2, tháng 3 nhằm đáp ứng nhu cầu tốt hơn trong quý II và quý III. Xu hướng tương tự cũng diễn ra vào năm 2023 và năm 2021 (trừ năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga và Ukaine khiến thị trường thiếu hụt và tồn kho rất thấp). Do đó, việc tồn kho tăng mạnh trong giai đoạn này không phản ánh nhu cầu suy giảm, mà bản chất có thể là sự chuẩn bị cho nhu cầu được dự báo trở nên cạnh tranh hơn trong tương lai.
Tối nay, báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nếu đồng quan điểm với API, có thể sẽ tạo áp lực tới giá dầu, khiến giá tiếp tục có nhịp giảm điều chỉnh. Nhưng về căn bản, nguy cơ thắt chặt nguồn cung trên thị trường vẫn sẽ là lực đỡ giúp giá khó giảm quá sâu về trung hạn.
Một lực cản nữa đó là sản lượng dầu của một số quốc gia xuất khẩu lớn, thậm chí trong nhóm OPEC+ trên thực tế có sự gia tăng, sẽ bù đắp phần nào cho “khoảng trống” nguồn cung. heo phân tích của Báo cáo Dầu mỏ Iraq dựa trên dữ liệu từng mỏ, sản lượng dầu trên toàn quốc của Iraq đạt 4,64 triệu thùng/ngày trong tháng 2, tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 1.
Về mặt kỹ thuật, xuất hiện đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Giá dầu phá vỡ mô hình tam giác và thoát xuống khỏi đường EMA50. Dự báo giá sẽ backtest lại mô hình trước khi rơi xuống hỗ trợ vùng 80 USD. Chiến lược giao dịch ưu tiên short vùng giá 81,3 – 81,5 USD với kỳ vọng chốt lời vùng 80 – 80,2 USD. Cắt lỗ nếu giá vượt lên trên vùng 82,1 USD.