6.182 chuyến bay bị chậm giờ trong tháng: Vì sao, hãng nào "đội sổ"?
Trong tháng 7/2023, Cục Hàng không Việt Nam thống kê các hãng bay Việt Nam khai thác 28.260 chuyến bay. Trong đó, 22.078 chuyến đúng giờ, chiếm tỉ lệ đúng giờ là 78,12%, giảm 2 điểm phần trăm so với tháng trước.
Vietjet "đội sổ" chậm chuyến
Dữ liệu cho thấy có 6.182 chuyến bị chậm giờ chiếm tỉ lệ 21,88%, tăng 2 điểm phần trăm so với tháng 6.
Trong số này có 125 chuyến bay bị hủy, chiếm tỉ lệ 0,4%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.
Hãng hàng không "đội sổ" chậm chuyến tháng 7 là Vietjet Air với 2.750 chuyến bay, chiếm tỉ lệ 25,8% trong tổng số chuyến bay hãng thực hiện, tăng 2 điểm phần trăm so với tháng trước.
Vietjet là hãng bay có tình trạng chậm chuyến cao nhất trong tháng 7/2023. Ảnh minh họa |
Vietnam Airlines xếp sau với 2.304 chuyến bay bị chậm, chiếm tỉ lệ 21,7%.
Bamboo Airways có 546 chuyến bị delay, chiếm 14,3% .
Pacific Airlines có 403 chuyến chậm, chiếm 19,2% tổng số chuyến bay của hãng.
Vietravel Airlines có 121 chuyến chậm, chiếm 20,9% số chuyến bay hãng thực hiện.
Trong tháng 7, Vietjet Air dẫn đầu về số chuyến bay khai thác với 10.676 chuyến. Tiếp sau là Vietnam Airlines 10.594 chuyến, Bamboo Airways 3.823 chuyến, Pacific Airlines 2.098 chuyến, Vietravel 578 chuyến...
Vì sao chuyến bay bị chậm
Nhà chức trách hàng không cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chậm chuyến nhưng thường là do máy bay về muộn và do hãng hàng không.
Báo cáo cho thấy trong 6.182 chuyến bay chậm giờ có 3.864 chuyến do tàu bay về muộn, 1.265 chuyến do hãng hàng không, còn lại là do trang thiết bị và dịch vụ tại cảng; quản lý, điều hành bay, thời tiết và lý do khác.
Theo các chuyên gia, việc chậm chuyến cho thể do kế hoạch khai thác chưa hiệu quả, sự cố kỹ thuật đột xuất, tình trạng quá tải tại cảng hàng không, thời tiết xấu... hoặc do chính hành khách.
Nhưng dù là nguyên nhân nào thì cũng ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của hãng bay và gây bức xúc cho hành khách.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra và giám sát hoạt động của các hãng hàng không nhằm xác định nguyên nhân chậm chuyến hoặc hủy chuyến để sau đó đưa ra các giải pháp xử lý.
Việc tăng cường kiểm tra và giám sát sẽ giúp cơ quan quản lý có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng hoạt động của các hãng hàng không.
Tuy nhiên, gần đây tình trạng chậm chuyến hoặc hủy chuyến chưa được giải quyết triệt để.