Yếu tố nào giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong tháng 1/2024?
Xuất khẩu trực tuyến sẽ là động lực tăng trưởng mới Xuất khẩu sản phẩm hàm lượng công nghệ cao theo Hiệp định EVFTA còn nhiều dư địa Xuất khẩu ngược dòng tăng tốc |
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 tăng 46%
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2023 đạt 23,64 tỷ USD, trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2024 đạt 34,53 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu hàng hóa tháng đầu năm đã tăng 46%, tương ứng tăng 10,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, năm 2023 xuất khẩu Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng âm lần đầu tiên trong suốt 14 năm trở lại đây (kể từ năm 2009 – khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu), gây ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng GDP trong năm.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tháng 1 phục hồi mạnh mẽ nhờ xuất khẩu sản phẩm điện tử công nghệ cao. Ảnh minh họa |
Bước sang năm 2024, xuất khẩu nước ta cho thấy tín hiệu phục hồi mạnh mẽ ngay từ tháng đầu tiên của năm, nhờ mức tăng 33% trong mảng xuất khẩu sản phẩm điện tử công nghệ cao, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bình luận về diễn biến này, theo ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, tháng 1/2024 có mức tăng trưởng cao vì lấy mốc so sánh thấp khi xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh vào đầu năm 2023 (xuất khẩu giảm 12% trong quý 1/2023) khi đó cũng là thời điểm của kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2023.
Trong khi đó, tháng 1/2024, mảng xuất khẩu máy tính và sản phẩm điện tử bất ngờ tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế mức tăng cao là bởi nền so sánh thấp của cùng kỳ năm trước, khi doanh thu ngành PC (máy tính cá nhân) toàn cầu khi đó đã giảm 30% so với tháng 1/2022.
Sau đó, ngành này đã tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023, một phần do người dùng nâng cấp máy cấu hình cao hơn để xử lý AI (trí tuệ nhân tạo). Tương tự, doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu cũng tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2023 sau hai năm liên tiếp sụt giảm.
Nhờ tình hình toàn cầu, xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam tăng 16% so với cùng kỳ trong tháng 1/2024, nhờ sự kiện mở bán mẫu điện thoại Samsung S24 mới trong tháng.
Ngoài ra, một lý do khác giúp cho xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh vào tháng đầu của năm nay là do tháng này có nhiều hơn 25% ngày làm việc so với tháng 1/2023 (do Tết Nguyên đán diễn ra vào ngày 21-27/1/2023).
Doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn
Không chỉ thể hiện qua thống kê của Tổng cục Hải quan, nhiều hiệp hội, ngành hàng cũng phấn khởi công bố những số liệu sản xuất kinh doanh tích ngay từ đầu năm, đồng thời các doanh nghiệp cũng hoạt động mạnh mẽ trở lại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thị trường trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả ngay từ đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu.
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã đàm phán để làm sao ký được nhiều mặt hàng mà những mặt hàng có tiềm năng, mang lại lợi ích lớn nhất, kim ngạch nhiều nhất".
Hiệp hội rau củ quả cũng cho biết, hiện Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do - FTA, trong đó 15 FTA đang thực thi. Nhờ đó, xuất khẩu rau quả có lợi thế hơn từ ưu đãi thuế quan, giúp nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Riêng Trung Quốc - thị trường số 1 của rau quả Việt Nam, nước ta dự kiến mở cửa thêm 2 mặt hàng mới là dừa tươi và sầu riêng đông lạnh vào thị trường này. Từ những tín hiệu tích cực như vậy, ngành rau quả tự tin với mục tiêu năm 2024 xuất khẩu cán đích 6,5 tỷ USD.
Xuất khẩu hoa quả đón nhận nhiều tin vui đầu năm. Ảnh: Hải quan Online |
Các loại trái cây đặc sản khác như xoài, chuối, thanh long, dừa tươi cũng đón nhận tin vui khi có nhiều đơn hàng ngay trong tháng đầu năm mới để lên đường đi Trung Quốc, Mỹ, Australia...
Không những vậy, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đang nhận được đơn hàng, hợp đồng từ nhiều thị trường mới với nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Năm 2024 khách hàng từ các thị trường truyền thống vẫn duy trì và thậm chí tăng đơn hàng so với năm cũ. Tính đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã lấp đầy đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Điểm sáng tích cực nhất là mới đây, doanh nghiệp trúng gói thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với hơn 60 ngàn tấn gạo trong tổng số 500 ngàn tấn.
Theo tính toán từ hiệp hội gạo, năm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực.
Thêm nữa, với việc các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 1/2024, VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ sự mạnh mẽ đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ, được thể hiện qua niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đạt mức cao nhất kể từ sự bùng nổ sau khi mở cửa hậu COVID-19.
Bước sang năm 2024, theo S&P Global Market Intelligence, ngành sản xuất bắt đầu sôi động. Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2024 cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt mức 50,3 điểm, tăng so với mức 48,9 điểm của tháng 12/2023. Chỉ số này phản ánh “sức khỏe” của ngành sản xuất đã có sự cải thiện khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. |