Xuất khẩu trực tuyến sẽ là động lực tăng trưởng mới
“Diễn đàn Xuất khẩu trực tuyến ngành hàng Thực phẩm và Đồ uống 2020” Bí quyết xuất khẩu trực tuyến thành công |
Động lực tăng trưởng mới
Đạt được những thành công nhất định khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh bán hàng trực tuyến, bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW - mới đây cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, biến động thị trường làm cản trở các hoạt động kinh tế, doanh nghiệp cũng đã thử nghiệm mở gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp doanh thu tăng trưởng khả quan.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đang có mặt trên các sàn thương mại điện tử quốc tế. |
Cũng tìm hướng xuất khẩu hàng hoá theo con đường trực tuyến, bà Nguyễn Xuân Hải Yến - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Proline Việt Nam - thông tin, xuất khẩu trực tuyến đang là cách giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận khách hàng nhanh, hiệu quả với chi phí tối ưu nhất.
Chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và xuất khẩu Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử, ông Roger Lou - Giám đốc quốc gia Alibaba.com tại Việt Nam - đánh giá, bất chấp những khó khăn và trở ngại lớn, một số ngành nghề của Việt Nam gần đây đã đạt được kỉ lục xuất khẩu như sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống…
Ông Roger Lou tin rằng, thương mại điện tử toàn cầu có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng tầm quy mô sản xuất, khai phá thị trường quốc tế và tăng sản lượng xuất khẩu.
Cầu nối đưa hàng Việt Nam ra thế giới
Theo báo cáo của Amazon Global Selling năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam đã đạt 80.000 tỉ đồng và dự kiến đến năm 2026 sẽ đạt 250.000 tỉ đồng. Cũng trong năm 2022, số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam được bán trên sàn thương mại điện tử này đạt tới gần 10 triệu sản phẩm, tăng 35% so với cùng kì năm trước.
Hay nghiên cứu mới nhất của Access Partnership cho thấy, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300.000 tỉ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử nhằm xuất khẩu trực tuyến.
Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam - từng chia sẻ, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến như môi trường, chính sách hỗ trợ, năng lực sản xuất dồi dào và cộng đồng nhà bán hàng đông đảo, năng động.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận sàn thương mại điện tử toàn cầu, đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, tại hội thảo mới đây, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - nhận định, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm, Việt Nam đang được xếp vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Bà Lại Việt Anh cho rằng, đây là ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ.
Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến nhưng còn gặp thách thức về quy định cũng như chi phí. Do đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao kĩ năng bán hàng xuyên biên giới.
Theo đó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có nhiều chương trình phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, trang bị kĩ năng bán hàng hiệu quả trên nền tảng thương mại điện tử toàn cầu, đưa sản phẩm của Việt Nam tiếp cận những thị trường tiềm năng.
Mục tiêu là hết năm 2026 có thể đào tạo 10.000 lượt doanh nghiệp về kĩ năng, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như khai thác tính năng sẵn có của nền tảng thương mại điện tử toàn cầu.