Xuất khẩu xoài sang Trung Quốc: Đáp ứng các yêu cầu mới
Xuất khẩu xoài sang Hoa Kỳ: Giải pháp nào cho mục tiêu chiếm 1% thị phần? |
Ông Đặng Phúc Nguyên- Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - thông tin: Những năm gần đây, Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu xoài từ Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, năm 2020 Trung Quốc nhập khẩu 84 nghìn tấn xoài tươi, 80% con số này đều từ Việt Nam. Các giống xoài xuất khẩu đi Trung Quốc là xoài tượng, xoài keo, xoài Đài Loan. Hiện 2/3 sản phẩm xoài tươi trên thị trường Trung Quốc là nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Diêu Lâm - Giám đốc dự án xoài, Công ty hữu hạn hoa quả Run Jia Trung Khánh cũng khẳng định thông tin này: Từ năm 2020, cùng với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và ảnh hưởng của dịch bệnh, nhập khẩu xoài của Trung Quốc đã tăng lên 84 nghìn tấn. Xoài nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 79,84% tổng lượng xoài nhập khẩu của Trung Quốc.
Dù vậy, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng suy giảm và cho rằng khả năng kim ngạch xuất khẩu xoài năm nay sẽ giảm mạnh do Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 chặt chẽ khiến nhiều xe xoài bị ứ đọng ở biên giới, thông thương chậm. Cùng đó, năm 2022 Trung Quốc ký Nghị định thư cho xoài Campuchia được xuất khẩu sang thị trường này như vậy xoài Việt có thêm đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu xoài tại Trung Quốc đã có sự thay đổi trong 2 năm gần đây, ông Vũ Tiến Hùng - Trưởng Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) - cho biết: Tại các trung tâm, chợ đầu mối nhập khẩu của Trung Quốc đã giao dịch rất khác. Không còn là mua hàng - trả tiền, mua đứt - bán đoạn như trước mà uỷ thác bán hàng, hợp tác nhà cung cấp làm đại lý hoặc tổng đại lý. Doanh nghiệp trong nước cũng cần tìm hiểu kỹ để xây dựng cho mình cơ chế hợp tác phù hợp, hiệu quả.
Doanh nghiệp xuất khẩu xoài của Việt Nam sẽ phải thích nghi và đáp ứng nhiều yêu cầu mới từ thị trường Trung Quốc |
Mặt khác những nhà nhập khẩu lớn của Trung Quốc đều có chân rết tại Việt Nam để giám sát chất lượng, cập nhật thông tin về giá cả. Tương tự vậy, doanh nghiệp trong nước cũng cần kết nối, cùng sang tận chợ đầu mối nhập khẩu phía Trung Quốc tìm hiểu nhu cầu, yêu cầu chất lượng của đối tác để có những giao dịch hiệu quả.
Trưởng Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu cũng chia sẻ: Đã nhiều lần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đàm phán với nhà nhập khẩu Trung Quốc, có một số vấn đề đối tác hỏi nhưng doanh nghiệp Việt Nam không trả lời được, như việc vận chuyển hàng hoá bởi với nông sản khâu vận chuyển không đáp ứng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sản phẩm.
“Thế nhưng, cơ chế phối hợp xử lý vấn đề này như thế nào chưa được quan tâm, doanh nghiệp Việt Nam cho rằng đã đạt tiêu chuẩn và xuất hàng đi thì không còn trách nhiệm nữa. Điều này khiến sự hợp tác lâu dài giữa hai bên sẽ không còn”, ông Hùng nói.
“Thông tin về doanh nghiệp trong nước tới Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu chưa nhiều, khi đối tác có nhu cầu nhưng liên hệ về Việt Nam rất khó. Khi liên hệ được thì phản hồi thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm… rất chậm, mất hàng tuần, thậm chí 10 ngày mới cung cấp được… như vậy sẽ mất cơ hội xuất khẩu”, ông Vũ Tiến Hùng đặc biệt nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm thực tế nhập khẩu xoài từ Việt Nam, ông Diêu Lâm cũng chỉ ra: Mẫu mã xoài Việt Nam kém đi nhiều có thể do vận chuyển, thời gian trữ lạnh lâu nên sản phẩm bị xuống mã, bị úng, thối khó bán tươi. Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vận chuyển thông suốt, nhanh chóng, quá trình vận chuyển phải kiểm soát được nhiệt độ phù hợp đảm bảo xoài tươi, mẫu mã đẹp.
Đồng thời thông tin, yêu cầu với các sản phẩm trái cây nhập khẩu là phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định phòng chống dịch bệnh cao. Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và các hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc phải tuân thủ các quy định mới này.
“Việc nhập khẩu xoài từ Việt Nam hiện vẫn thông qua các đại lý tại cửa khẩu vì thế có một số hạn chế, chúng tôi mong muốn hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Diêu Lâm bổ sung.
Nêu ra giải pháp ở tầm vĩ mô hơn, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng: Để tăng lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc, các cơ sở sản của Việt Nam phải tính tới phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản…
Doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng được các quy định của thị trường Trung Quốc. Cần có sự trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp tham gia giao dịch quốc tế Việt Nam để tìm hiểu thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, hướng dẫn, phổ biến thực thi tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc… đến các địa phương, các hợp tác xã, cơ sở đóng gói.