Xuất khẩu tôm sụt giảm nửa tỷ USD
Xuất khẩu tôm Việt Nam chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm thế giới Xuất khẩu tôm kỳ vọng khởi sắc trong quý 2 |
Thông tin về tình hình xuất khẩu tôm, mặt hàng đóng góp kim ngạch lớn nhất của ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, xuất khẩu tôm trong tháng 4 tiếp tục xu hướng giảm của những tháng trước, chỉ đạt 287 triệu USD.
Lũy kế 4 tháng 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 887 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm 4 tháng 2023 sụt giảm 36% so với cùng kỳ. |
Đối chiếu lại thống kê của Vasep cùng kỳ năm trước, riêng tháng 4/2022, con tôm mang về 442 triệu USD, tăng 47%, đưa kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Như vậy, mức sụt giảm tính về con số ngoại tệ hơn 500 triệu USD.
Kinh tế khó khăn, lạm phát tăng, khiến người tiêu dùng tại các thị trường chính yếu giảm mua tôm Việt Nam, ghi nhận qua kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều tăng trưởng âm.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18% tỷ trọng, nhưng xuất khẩu sang trường này sụt giảm nghiêm trọng, đạt 159 triệu USD, giảm 45%.
Dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Vasep cho biết, quý I/2023, tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ đạt hơn 181.111 tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu trung bình mặt hàng tôm vào Mỹ quý I thấp hơn 13% so với cùng kỳ. Không chỉ Việt Nam, hầu hết quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ đều sụt giảm mạnh.
"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ đều thận trọng nghe ngóng tình hình. Dự kiến, phải đến tháng 8/2023, nhập khẩu tôm tại Mỹ mới có thể sôi động trở lại", Vasep dự báo.
Nhật Bản đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 16% tỷ trọng nhưng 4 tháng kim ngạch mới 146 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông giảm giảm 27%, trong khi xuất sang Hàn Quốc đạt 105 triệu USD, giảm 30%.
Kết quả xuất khẩu 4 tháng suy giảm mạnh đang gây nhiều thách thức cho hoạt động thủy sản và ngành tôm Việt Nam.
Đơn hàng xuất khẩu giảm nhưng giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam từ khoảng giữa tháng 4 ghi nhận giảm, gây nhiều áp lực cho người nuôi lẫn doanh nghiệp. Giá tôm nguyên liệu tại một số nước sản xuất tôm chính như Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ cũng có xu hướng tương tự.
Tồn kho cao, nguồn cung tôm nguyên liệu tăng từ Ấn Độ, Ecuador, trong khi tiêu thụ chậm là một trong những nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu giảm. Tình hình này không chỉ gây ra khó khăn cho các nhà sản xuất tôm mà cả nhà nhập khẩu, phân phối trên thế giới.
Năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn như hệ lụy đại dịch Covid, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ…nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Nhưng xuất khẩu chủ yếu tăng mạnh trong nửa đầu năm, được lợi nhờ nhu cầu cao và giá tăng. Nửa cuối năm, lạm phát ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, hàng tồn kho gia tăng. Rõ nhất là tháng 12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021 đạt 259 triệu USD.