Xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc: Người nuôi lo lỗ nặng
Sau ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khiến xuất khẩu tôm hùm bông ách tắc, đến nay, người nuôi tôm hùm bông lại thêm khốn khó khi từ tháng 8 đến nay, loại tôm này không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Đáng nói hơn, cơ hội trở lại thị trường này cho con tôm hùm bông Việt Nam càng xa vời hơn khi Trung Quốc sửa luật.
Tại các cơ sở nuôi còn lượng lớn tôm hùm chờ xuất bán, giá đang giảm mạnh khiến doanh nghiệp và người nuôi hoang mang.
Thông tin với VTC News, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ hộ chăn nuôi tôm hùm bông tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, vựa nuôi tôm hùm bông lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa - cho biết, gia đình ông nuôi gần 250 lồng, sản lượng hàng năm khoảng 20 tấn. Từ năm 2022 đến nay, việc nuôi tôm liên tục trục trặc, gây lỗ vốn nặng nề.
“Tôi nuôi tôm hùm bông lỗ quá rồi. Nào là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nào là việc tôm bị chết hàng loạt do môi trường biển ô nhiễm. Tuy nhiên, những năm trước dù giá rẻ nhưng con nào còn sống vẫn còn bán được. Sang năm nay, một nửa tôm đã chết do dịch bệnh (khoảng 10 tấn), đáng lo hơn là đến thời điểm này còn con nào sống cũng không bán được, vì không có người thu mua. Tình trạng này nếu kéo dài, lỗ chồng lỗ thì chỉ còn nước phá sản”, ông Tuấn than.
Cũng lo lắng như ông Tuấn, anh Nguyễn Duy Văn ở Vạn Ninh chia sẻ, gia đình anh đang rất hoang mang khi thị trường tiêu thụ yếu, giá giảm hơn 40% so với trước dịch. Loại tôm này rất kén khách, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Vì thế, việcTrung Quốc yêu cầu không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2) khiến việc bán tôm hùm bông phục vụ xuất khẩu càng thêm khó khăn hơn.
“Gia đình tôi hiện có khoảng 15 tấn tôm đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Trong khi đó chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn phải đầu tư, càng nuôi càng lỗ. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp định hướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi”, anh Văn nói.
Anh Văn cũng cho biết thêm, so với tôm hùm xanh, tôm hùm bông nuôi khó hơn, chi phí cao hơn và đầu ra bấp bênh, vì thế nhiều hộ nuôi tôm hùm bông vốn đã thua lỗ nay càng thua lỗ nhiều hơn. Lâu nay người dân nuôi tự phát, nếu phía Trung Quốc yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc tôm hùm bông không phải tự nhiên thì không dễ dàng gì người nuôi chứng minh được.
Tôm hùm bông khó xuất khẩu sang Trung Quốc khiến người nuôi lo lắng. (Ảnh minh họa: Minh Nguyệt) |
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 2.700 hộ nuôi tôm, trong đó khoảng 900 hộ nuôi tôm hùm bông, số lượng gần 100.000 lồng, tương đương 1.000 tấn. Hiện nay tôm loại 1 cơ bản đã tiêu thụ được hơn 70%, còn tôm loại 2 dưới 1kg/con khoảng 150 tấn. Tổng sản lượng tồn còn khoảng 500 tấn.
Ông Chánh đánh giá, Trung Quốc ban hành Luật bảo vệ động vật hoang dã là việc làm tích cực trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên trên biển. Tuy nhiên quy định này ngay lập tức đã gây khó khăn cho người nuôi tôm Việt Nam, trước mắt là với sản lượng còn lại hiện nay chưa thể tiêu thụ.
“Muốn xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, người nuôi phải truy xuất nguồn gốc theo quy định, đồng thời đảm bảo nguồn gốc con giống F2. Tuy nhiên, điều này rất khó khăn bởi việc con giống của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu và khai thác tự nhiên, trong nước chưa nhân tạo được. Do vậy, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ từ con giống đến chăn nuôi cũng là cả một vấn đề và cần nhiều thời gian”, ông Chánh nói.
Ông Chánh cho rằng, đã đến lúc cần tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường khác ngoài Trung Quốc, đồng thời phải có giải pháp bền vững là chế biến sản phẩm để đảm bảo gia tăng giá trị, tránh tình trạng thị trường ùn ứ, giá lại bị hạ. Ngoài ra, người nuôi cũng cần nuôi đa dạng các loại khác như tôm hùm xanh, cá biển để thay thế tôm hùm bông khi gặp sự cố…
"Chi cục cũng đề xuất các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn để người nuôi tôm hùm bông thực hiện quy định, thoát cảnh khó khăn”, ông Chánh nói.
Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước quy định từ phía Trung Quốc, các tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mong muốn bộ sớm làm việc với phía Trung Quốc để có giải pháp cụ thể.
Theo ông Quang, hiện tôm hùm bông vẫn đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng giá không cao. “Hiện giá tôm hùm bông tùy địa điểm, thời điểm có giá đắt nhất khoảng 1,5 - 1,7 triệu/kg. Khi thị trường ít thì giá tăng, khi thị trường nhiều thì giá giảm”, ông Quang nói.
Tại tỉnh Phú Yên, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, thông tin, thị xã Sông Cầu là địa phương có số lượng gia đình nuôi tôm hùm nhiều nhất ở khu vực miền Trung và cả nước.
Trước đây người dân địa phương nuôi rất nhiều tôm hùm bông. Tuy nhiên, hơn 4 năm qua, do nắm bắt được xu thế người tiêu dùng cũng như việc nhập con giống tôm hùm bông gặp khó khăn, thời gian nuôi tôm hùm bông lại kéo dài 18 tháng mới cho thu hoạch, trong khi nuôi tôm hùm xanh là 12 tháng, rút ngắn thời gian, cho lợi nhuận nhanh hơn nên chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển sang nuôi tôm hùm xanh.
Hiện nay cả thị xã Sông Cầu có gần 60.000 lồng nuôi tôm hùm xanh, mỗi năm thu hoạch khoảng 2.000 tấn, thu tổng tiền khoảng 2.000 tỷ đồng và địa phương cũng không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa. (Ảnh minh họa: Báo Ảnh Việt Nam) |
Mới đây, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả làm việc trực tuyến với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông.
Theo đó, Trung Quốc cho biết tôm hùm bông Việt Nam bị ngưng xuất sang thị trường này do vướng quy định mới. Tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo tới các hải quan địa phương để thực hiện quy định trên khiến xuất khẩu chậm lại.
Trong quy định mới này, với tôm hùm bông nuôi, Trung Quốc yêu cầu phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).
Về thủ tục nhập khẩu tôm hùm bông nuôi vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu các nước (gồm Việt Nam) phải xin cấp phép về Bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).
Các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm. Riêng thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây.
Vụ giám sát kiểm dịch động thực vật thông báo sẽ gửi cho phía Việt Nam biểu mẫu đăng ký mới (thông qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc) để tiến hành rà soát, thực hiện đăng ký với các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sau khi nhận được danh sách đăng ký của phía Việt Nam, Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi và công bố trên website của Tổng cục Hải quan nước này.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ 2022.