Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh, mục tiêu 10 tỷ USD về đích sớm
Ba thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam Tín hiệu khởi sắc giúp xuất khẩu thủy sản tăng tốc cuối năm |
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, sản lượng thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 864,8 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá ước đạt 598,6 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm ước đạt 144 nghìn tấn, tăng 6,9%; thủy sản khác ước đạt 122,2 nghìn tấn, tăng 2,6%.
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 11/2024 ước đạt 287,9 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 216,1 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 13,3 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 58,5 nghìn tấn, tăng 0,9%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 266,9 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 8.754,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: cá đạt 6.126,9 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 1.370 nghìn tấn, tăng 4,8%; thủy sản khác đạt 1.257,7 nghìn tấn, tăng 1,2%.
Ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD. Ảnh: VASEP |
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5%. Đáng chú ý, nếu xét theo mặt hàng, Việt Nam có 7 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, trong đó cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản cũng đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%.
Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11 và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm. Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ mặc dù tăng trưởng chậm lại, vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023 và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.
Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó nhuyễn thể có vỏ có mức tăng trưởng ấn tượng tới 180%.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với đà tăng trưởng hiện tại, dựa trên chu kỳ tăng tốc mạnh vào cuối năm do nhu cầu lễ, tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tăng từ các thị trường trọng điểm, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.
Cơ hội lớn mở ra trong năm 2025
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Trong năm 2025, ngành thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi. Đầu tiên là sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ với các chính sách ưu đãi như tăng quy mô chương trình tín dụng, phê duyệt chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới để hàng thủy sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính.
Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung đã tạo ra một “làn sóng” cơ hội mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Với việc Hoa Kỳ có thể tăng thuế nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc, các sản phẩm như tôm và cá tra của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để thay thế và chiếm lĩnh thị phần.
Bên cạnh những cơ hội, ngành thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Chi phí sản xuất tăng cao, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất, và cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu là những vấn đề nan giải mà ngành đang phải đối mặt.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết giá nguyên liệu đầu vào như tôm nguyên liệu đã tăng đáng kể, gây áp lực lên các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng là một mối lo ngại lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất nuôi trồng.
Để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua những thách thức, ngành thủy sản Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao sức cạnh tranh.
Ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực hơn nữa, chủ động thích ứng với những thay đổi của thị trường và vượt qua những thách thức đang đặt ra.