Xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan: Tìm hiểu thói quen tiêu dùng, tránh cạnh tranh không lành mạnh
Khó giữ thị phần
Theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thanh long Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với vụ mùa năm 2020. Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vận tải hạn chế, nhu cầu sụt giảm đã tạo sức ép cho các địa phương tiêu thụ trái thanh long.
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, Ấn Độ và Pakistan được chọn là 2 thị trường để Bộ Công Thương tiến hành hoạt động xúc tiến tiêu thụ thanh long là bởi đây là những thị trường tiềm năng. Trong đó, Ấn Độ là thị trường đông dân, với trên 1,36 tỷ người, có dung lượng tiêu thụ lớn, được đánh giá khá tiềm năng để phát triển xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Bên cạnh Ấn Độ, Pakistan dù là thị trường nhỏ, chưa nhập khẩu thanh long tươi từ Việt Nam nhưng có thể có những hướng thị trường ngách cho các sản phẩm chế biến từ thanh long.
Xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan doanh nghiệp cần tìm hiểu thói quen tiêu dùng, tránh cạnh tranh không lành mạnh |
Tuy vậy, do ảnh hưởng từ tôn giáo, thói quen tiêu dùng, trình độ phát triển nên Ấn Độ, Pakistan lại là những thị trường khá đặc thù, rất khó giữ thị phần. Về thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng- Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phân tích: Ấn Độ có điều kiện địa lý tương đồng với Việt Nam, có vùng có tới 300 ngày nắng/năm rất phù hợp cho trồng cây thanh long. Thực tế, Ấn Độ đã bắt đầu trồng cây thanh long và đề nghị phía Việt Nam chuyển giao công nghệ trồng loại cây này. Mặt khác, Ấn Độ cơ bản là thị trường khá dễ tính không đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao, dễ thâm nhập. “ Việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ không khó nhưng để giữ vững được thị phần lại rất khó”, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.
Tương tự Ấn Độ, Pakistan là thị trường đang phát triển, không kén chọn về chất lượng sản phẩm, không có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn kỹ thuật mà coi trọng yếu tố giá rẻ. Do vậy, tương đối thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập nhưng khó cạnh tranh về giá với các quốc gia có nền sản xuất phát triển mạnh.
Ngoài ra, theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan- Nguyễn Tiên Phong, thanh long Việt Nam chưa xuất khẩu sang Pakistan nên chưa được nhận diện cũng như chưa tạo được cầu tại thị trường này. Việt Nam và Pakistan cũng chưa có đường bay thẳng, trường hợp xuất khẩu thanh long sang thị trường này phải vận chuyển bằng đường biển với thời gian dài cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp Việt Nam trong khâu bảo quản. Hơn nữa, do yếu tố văn hoá, tôn giáo, doanh nghiệp Pakistan ít năng động trong quá trình hợp tác, kinh doanh.
Những lưu ý cần thiết
Đại sứ Nguyễn Tiên Phong cũng cho biết, thói quen tiêu dùng của người dân Pakistan cũng khác biệt, ưa chuộng chế biến trái cây thành nước ép, sinh tố. Mặt khác, người dân Pakistan rất ưa ngọt. Do vậy, doanh nghiệp trong nước muốn xuất khẩu thanh long sang thị trường này cần tìm hiểu kỹ thói quen tiêu dùng, chế biến nhiều sản phẩm từ trái thanh long như: Thanh long như sấy khô, sấy dẻo, kẹo từ thanh long…; xây dựng catalogue, video về đa dạng các cách chế biến sản phẩm từ thanh long để giới thiệu, quảng bá.
Sản phẩm nhập khẩu vào Pakistan cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hồi giáo (Halal) do cơ quan được chính phủ Pakistan chỉ định cấp. Riêng nhãn mác của các mặt hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu vào Pakistan, cần có đầy đủ thông tin về: Thời hạn sử dụng của sản phẩm tại thời điểm nhập khẩu phải còn ít nhất 66% kể từ ngày sản xuất; các thành phần và chi tiết của sản phẩm được in bằng tiếng Urdu và tiếng Anh; Logo của cơ quan chứng nhận Halal phải được in trên bao bì bán lẻ…
Với thị trường Ấn Độ, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ dự báo, sau dịch nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm, đồng nghĩa cạnh tranh giữa các nguồn cung sẽ tăng, doanh nghiệp trong nước cần áp dụng công nghệ để đa dạng hoá sản phẩm. Đồng thời, tăng chất lượng sản phẩm để đưa vào các hệ thống phân phối lớn tại thị trường sở tại, cập nhật thông tin để thay đổi bao bì nhãn mác cho phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tuân thủ luật pháp để có phương thức bảo vệ bản thân khi xảy ra tranh chấp.
“Trong nội bộ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ có hiện tượng cạnh tranh về giá rất rõ rệt, gây mất uy tín với với đối tác. Thị trường Ấn Độ rất rộng lớn, doanh nghiệp trong nước phải đoàn kết mới giữ được thị phần”, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.
Từ trải nghiệm thực tế, bà Huỳnh Thúy Vy- Thành viên Ban chấp hành, Hội người Việt Nam tại Ấn Độ cũng lưu ý: Các doanh nghiệp phải chú ý đến phương thức thanh toán. Nên ưu tiên phương thức thanh toán đặt cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán, sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, sẽ thanh toán 70% còn lại để tránh những tranh chấp, rủi ro. Ngoài ra, các doanh nghiệp chú trọng đến chất lượng hàng xuất khẩu, không trộn lẫn sản phẩm kém chất lượng để hạ giá; sử dụng bao bì có in tiếng Anh, không sử dụng loại có in chữ Trung Quốc như hiện nay…