Xuất khẩu rau quả có thể bỏ xa kỷ lục năm 2018
Xuất khẩu rau quả tăng đột biến Xuất khẩu rau quả ngược dòng tăng 39% |
Từ quy mô kim ngạch thời gian qua và những yếu tố tác động thời gian tới, có thể dự báo, xuất khẩu rau quả cả năm 2023 đạt gần 4,9 tỷ USD, vượt xa kỷ lục đã đạt được vào năm 2018.
Rau quả sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên từ năm 2013, đạt 2 tỷ USD vào năm 2016, vượt qua mốc 3 tỷ USD từ năm 2017, đạt kỷ lục 3,81 tỷ USD vào năm 2018 và nằm trong nhóm mặt hàng có quy mô kim ngạch cao.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả đứng thứ 3, thứ 4 trong các mặt hàng nông, lâm nghiệp - thủy sản xuất khẩu (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản - có năm sau gạo). Điều đó chứng tỏ, rau quả đã tận dụng tốt lợi thế về đất đai, khí hậu và số lượng lao động đông đảo, cần cù, có kỹ thuật trồng trọt; quan tâm hơn đến quy mô tập trung, bảo quản, vệ sinh an toàn, thị trường tiêu thụ…
Trong tổng số các mặt hàng có kim ngạch lớn, rau quả có quy mô cao - năm cao nhất đứng thứ 11, 12 (2018 - 2020). So với năm trước, có những năm có tốc độ tăng khá cao (nhiều năm tăng 2 chữ số; năm 2022 cao gấp 15,8 lần năm 2000, gấp 14,2 lần năm 2005, gấp gần 7,5 lần năm 2010…); 5 tháng đầu năm 2023 tăng 42,9% so với cùng kỳ, trong khi cả nước bị giảm 12,3%.
Kỳ vọng xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục mới xuất phát từ nhiều yếu tố.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả đứng thứ 3, thứ 4 trong các mặt hàng nông, lâm nghiệp - thủy sản xuất khẩu (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản - có năm sau gạo). |
Thứ nhất, về sản xuất, diện tích cây ăn quả lâu năm năm 2021 đã đạt trên 645.000 ha, tăng trên 24,2%, hay tăng 126.000 ha so với năm 2015. Trong đó, những cây trồng có diện tích khá lớn và tăng khá cao gồm xoài đạt 113.900 ha, tăng 36,1%, hay tăng 30.200 ha; cam quýt đạt 111.800 ha, cao gấp hơn 2 lần, hay tăng trên 56.000 ha… Nhiều loại rau quả khác đang được chế biến, xuất khẩu có quy mô khá lớn như sầu riêng, dứa, vải… Xuất khẩu rau quả tăng đã tác động đến sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chế biến bảo quản, chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm…
Thứ hai, về thị trường tiêu thụ, mặt hàng rau quả trong 5 tháng đầu năm 2023 đã có mặt ở 27 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 17 thị trường đạt trên 10 triệu USD (riêng Trung Quốc đạt 1,286 tỷ USD, chiếm trên 63,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam). So với cùng kỳ năm trước, tăng có 16 thị trường, trong đó có mức tăng cao (trên 2 triệu USD) là 9 thị trường, như Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc, Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Malaysia, Nhật Bản, Đức…
Thứ ba, ngoài ưu thế đất đai, khí hậu và một số loại rau quả là đặc sản ưa chuộng với người dân ở nhiều nước, còn là tín hiệu khả quan từ 5 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu bình quân một tháng trong 4 tháng mới đạt 342,5 triệu USD, trong đó tháng 4 đạt 391,3 triệu USD - cao hơn mức bình quân một tháng của quý I (trên 326 triệu USD); tháng 5 đạt 565,2 triệu USD, tăng tới 67,7% so với tháng 4 và cao hơn mức bình quân một tháng của 4 tháng, bình quân một tháng trong 5 tháng đã đạt 405,2 triệu USD.
Nếu 7 tháng còn lại đạt bằng bình quân 5 tháng đầu năm, thì sẽ đạt 2,837 tỷ USD và cả năm sẽ đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng 45,8% so với năm trước, vượt xa so với kỷ lục đã đạt được vào năm 2018. Người viết tạm ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt 4,6 tỷ USD (tăng 36,9%). Con số này có thể còn là thận trọng, bởi nhiều cây ăn quả của Việt Nam đang vào mùa thu hoạch rộ (như xoài, sầu riêng, vải…), có thêm phương thức vận chuyển bằng tàu hỏa…
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần quy hoạch vùng tập trung để dễ thu hoạch, chứng minh xuất xứ, xử lý bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường chế biến…