Xuất khẩu hồ tiêu Việt tăng trưởng mạnh, trừ thị trường Trung Quốc
Giá tiêu nội địa kỳ vọng cán mốc 160.000 đồng/kg Xuất khẩu hồ tiêu Việt sang nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng hơn 90% Giá ''vàng đen'' tăng liên tiếp, tín hiệu vui cho ngành hồ tiêu Việt |
Theo ghi nhận, giá tiêu hiện tại giúp cho người trồng hồ tiêu các địa phương phấn khởi, vực dậy tinh thần sản xuất trước khi bước vào vụ thu hoạch năm nay.
Chuyên gia nhận định, giá tiêu có thể vượt lên mức trên 160.000 đồng/kg trước khi bước vào vụ thu hoạch ở Việt Nam. Một trong những nguyên chính thúc đẩy giá tiêu tăng trong thời gian qua là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới.
Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka. Trong khi đó, 2 nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết El Nino gây hạn hán. Mặc dù đã có dự báo sản lượng năm sau ở Việt Nam tăng hơn, nhưng với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay cũng chưa thể dám chắc điều gì. Nhìn về dài hạn trong 3 đến 5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới.
Theo ghi nhận, giá tiêu hiện tại giúp cho người trồng hồ tiêu các địa phương phấn khởi. Ảnh: Vũ Thảo |
Trong cơ cấu chủng loại hồ tiêu xuất khẩu 8 tháng đầu năm, tiêu đen nguyên hạt tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn lên đến 73,8%, đạt 135.620 tấn. Tiếp đến là tiêu đen xay đạt 25.699 tấn, chiếm 14%; tiêu trắng nguyên hạt chiếm 7,7% với 14.975 tấn; tiêu trắng xay chiếm 3,8%; và cuối cùng là tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng… với 0,7%.
Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng trưởng mạnh. 15 ngày đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu 6.917 tấn hồ tiêu với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 42,3 triệu USD.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu 15 ngày đầu tháng 9 bao gồm: Olam Việt Nam: 970 tấn, Phúc Sinh: 743 tấn, Haprosimex JSC: 568 tấn, Trân Châu: 561 tấn và Nedspice Việt Nam: 480 tấn. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là thị trường Trung Quốc lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm nay, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 8.388 tấn, giảm tới 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này kéo theo giá trị xuất khẩu cũng giảm mạnh, đạt 23,5 triệu USD, tương đương giảm 80,2%. Sự sụt giảm này khiến thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giảm xuống còn 4,6%, so với mức 28,6% của cùng kỳ năm ngoái.
Việc Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 5 trong danh sách các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam là một sự thay đổi đáng kể. Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm lại so với dự báo. Điều này khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu như gia vị. Lượng hàng tồn kho hồ tiêu tại Trung Quốc hiện vẫn còn khá lớn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Điều này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hạn chế việc đặt hàng mới.
Ngoài ra, giá hồ tiêu tại thị trường nội địa Trung Quốc hiện đang thấp hơn so với giá tại Việt Nam. Sự chênh lệch giá này cũng là một yếu tố khiến các doanh nghiệp Trung Quốc ít có động lực nhập khẩu.
Sự sụt giảm xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc là một thách thức lớn đối với ngành hồ tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và tìm kiếm các thị trường mới. Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp cần điều chỉnh sao cho mức giá nhập vào và bán ra có mức tăng tương đồng để tránh rủi ro về giá. Nếu giá tiêu trong nước tăng, các doanh nghiệp cần phải tăng giá xuất khẩu tương ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể mua dần, tránh dồn dập, nếu không sẽ tác động về giá khi có đơn hàng lớn, tạo thêm sự khan hiếm hàng", bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) chia sẻ.
Mặc dù xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc gặp khó khăn, nhưng nhìn chung, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn đang có những tín hiệu tích cực. Việc đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng các công nghệ mới sẽ giúp ngành hồ tiêu Việt Nam vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (23/9) tại một số vùng trồng trọng điểm trong nước đã giữ ổn định, dao động quanh ngưỡng 150.000 - 151.000 đồng/kg. Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk ở mức 151.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai cũng giữ ổn định ở mức 150.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông đi ngang, đạt 151.000 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Phước đồng loạt đi ngang, đạt 150.000 đồng/kg. Như vậy, sau 1 ngày diễn biến trái chiều, giá tiêu trong nước hôm nay tăng nhẹ ở hầu hết các vùng trồng trọng điểm, mức tăng 1.000 đồng/kg, trong khi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại Đắk Lắk. Giá tiêu cao nhất về mốc 151.000 đồng/kg. Tổng kết tuần qua, giá tiêu giảm 2.000 – 5.000 đồng/kg tại các địa phương. Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 22/9 (theo giờ địa phương) như sau: Giá tiêu đen Lampung của Indonesia giữ ổn định ở mức 7.715 USD/tấn; tương tự, giá tiêu trắng Muntok cũng giữ ổn định ở mức 9.305 USD/tấn. Riêng giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giữ ổn định ở mức 6.900 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia đi ngang, đạt 8.800 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này cũng đi ngang, đạt 11.200 USD/tấn. Giá tiêu các loại của Việt Nam được giữ ổn định. Cụ thể, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.800 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 7.100 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam giữ ổn định ở mức 10.150 USD/tấn. |