Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 5/2024: Tăng trưởng tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Hiệp định UKVFTA "đòn bẩy" xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam Ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm Xuất khẩu gỗ gần 11 tỷ USD, doanh nghiệp gỗ tăng ca, tuyển lao động |
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá nói chung và gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,26 tỷ USD, giảm 7% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 19,4% so với tháng 5/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 835 triệu USD, giảm 11% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 8,9% so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 4,2 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Báo Đầu tư |
Trong đó, với nhu cầu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ 3,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Với sự bứt phá ấn tượng, xuất khẩu tháng 5 sang thị trường Trung Quốc đạt 216 triệu USD, tăng 108% so với tháng 5/2023, là mức cao nhất từ đầu năm 2023. Việt Nam thu về hơn 887 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 51,2% so với cùng kỳ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành gỗ.
Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu về hơn 887 triệu USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2023. chiếm tỷ trọng 14,4% và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Việt Nam xuất khẩu hơn 30 nhóm mặt hàng gỗ và SPG sang Trung Quốc hàng năm, chủ yếu là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (HS44). Năm mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này là: Dăm gỗ; gỗ xẻ; ván bóc, ván lạng; ván ghép, đồ mộc xây dựng; và ván dăm. Không những vậy, thị trường này còn là nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam. Các loại gỗ nguyên liệu là các mặt hàng chính trong thương mại 2 chiều giữa 2 quốc gia.
Theo nhận định từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, xuất khẩu hàng hóa nói chung và đồ nội thất bằng gỗ nói riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang có nhiều triển vọng tích cực. Lý do là do giá cước vận tải tàu biển tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu từ các quốc gia lân cận thay vì các thị trường xa xôi với chi phí vận chuyển cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như các đơn hàng xuất khẩu gỗ sang thị trường Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao về mẫu mã, chất lượng, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các rào cản thương mại tại thị trường Trung Quốc ngày càng tăng, đặc biệt là các yêu cầu về chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chứng chỉ giảm phát thải carbon. Nhiều thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải có chứng chỉ bền vững, minh bạch trong chuỗi nguồn cung. Một số thị trường nhập khẩu khác còn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải...
Với những nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính phủ, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.