Xuất khẩu dệt may vào Nam Mỹ quá khiêm tốn so với tiềm năng
Phát biểu tại “Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - Nam Mỹ” tối ngày 9/5, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: từ trước tới nay trong quan hệ thương mại với các nước Nam Mỹ, Việt Nam mới chỉ là cái tên quen thuộc với một số thành viên nhất định như Brazil, Argentina, Chile, Peru…
Chưa có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng khu vực Nam Mỹ biết đến các sản phẩm thời trang đa dạng của Việt Nam. Trong khi đó, ngành sản xuất dệt may của Việt Nam đang rất phát triển, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn với yêu cầu cao từ nhiều thị trường trên thế giới.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin thêm: Nam Mỹ là thị trường thời trang rất tiềm năng với dân số trên 437 triệu người và mức thu nhập bình quân đầu người khá cao.
Tuy nhiên, xuất nhập khẩu dệt may Việt Nam sang khu vực này rất khiêm tốn. Cụ thể như, xuất khẩu sang Brazil từ 150-200 triệu USD/năm; xuất khẩu sang Chile từ 70-90 triệu USD/năm; xuất khẩu sang Argentina từ 30-40 triệu USD/năm; xuất khẩu sang Peru từ 30-40 triệu USD/năm.
Brazil đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại Đông Nam Á.
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có hàng thời trang rất được người tiêu dùng Brazil quan tâm. Mặc dù vậy, thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Brazil.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2021.Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 533,2 triệu USD, tăng 3,5%; Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 1,175 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may đạt 12,73 triệu USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Chile, hiện dệt may và giày dép là hai nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Chile nhưng kim ngạch cũng còn khiêm tốn.
Lý giải cho vấn đề khối lượng cũng như trị giá xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Nam Mỹ còn hạn chế, ông Lê Hoàng Tài nêu rõ: nguyên nhân cơ bản bởi vị trí địa lý xa xôi cùng văn hoá khác biệt. Các doanh nghiệp Việt Nam và Nam Mỹ còn thiếu thông tin về năng lực và nhu cầu của nhau.
“Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại sang khu vực Nam Mỹ còn thiếu và yếu. Một số nền kinh tế khu vực Nam Mỹ có độ mở chưa cao”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nói.
Bộ Công Thương nhận định, khu vực Nam Mỹ là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nhiều loại hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng thời trang. Hiện nhiều nước Nam Mỹ đánh giá Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng ở khu vực châu Á.
Đến nay, Việt Nam đã thành lập cơ chế đối thoại với nhiều nước khu vực Nam Mỹ bao gồm: Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như Ủy ban hỗn hợp kinh tế thương mại và kỹ thuật với Brazil. Đây là các kênh trao đổi thông tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ cho rằng, sau dịch Covid-19 các quốc gia trong khu vực đều có xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là ở các quốc gia giữ được sự ổn định trong dịch bệnh.
Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, trong đó có hàng thời trang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng sự hiện diện tại khu vực Nam Mỹ nhằm nâng cao thị phần và trị giá xuất khẩu trong thời gian tới.