Xuất khẩu thủy sản khó đạt 7 tỷ USD.
Chế biến tôm XK
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 7, xuất khẩu thủy sản mới chỉ đạt 3,577 tỷ USD, giảm tới 16,1% so với cùng kỳ 2014. XK thủy sản năm nay giảm mạnh có nguyên nhân quan trọng nhất là sự sụt giảm nặng nề trong XK tôm.
Đến hết tháng 7, XK tôm chỉ đạt 1,55 tỷ USD, giảm tới 28,3% so với cùng kỳ 2014. Thị trường quan trọng nhất của tôm Việt Nam vẫn là Mỹ, nhưng đây cũng chính là thị trường giảm mạnh nhất.
7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang Mỹ chỉ đạt 313,6 triệu USD, giảm tới 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính đến hết tháng 8, XK tôm sang Mỹ cũng đang giảm tới trên 50%. Các thị trường quan trọng khác của tôm Việt Nam là Nhật Bản và EU cũng giảm mạnh: 18,6% và 16,4% trong 7 tháng đầu năm.
Do tôm chiếm tới trên 40% giá trị XK của toàn ngành thủy sản, nên XK thủy sản cuối năm nay có khởi sắc hay không, cũng phụ thuộc chủ yếu vào tình hình XK tôm.
Đầu tháng 9 này, ngành tôm đón nhận 1 tin vui khi Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả chính thức đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá (CBPG) với tôm đông lạnh NK. Theo đó, tôm Việt Nam đã được giảm mạnh về thuế CBPG (chỉ còn 0,91%) so với mức thuế của POR8 (6,37%).
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam, cho rằng, khi thuế CBPG của tôm Việt Nam được giảm mạnh, sẽ tạo tâm lý yên tâm hơn cho nhà NK Mỹ khi mua tôm của Việt Nam.
Niềm hy vọng từ việc thuế CBPG được giảm mạnh sẽ giúp cho XK tôm nước ta vào Mỹ có cơ hội khởi sắc là có cơ sở. Bởi tháng 9 năm ngoái, khi Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả thuế CPBP của tôm Việt Nam với mức rất cao, thì XK tôm sang Mỹ, vốn tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2014, đã sụt giảm trong tháng 9/2014 và kéo dài đà suy giảm rất mạnh cho đến tận bây giờ. Điều này chứng tỏ mức thuế CBPG cao hay thấp sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc tăng hay giảm XK tôm sang Mỹ.
Không chỉ được giảm mạnh về thuế CBPG mà tôm Việt Nam còn có mức thuế thấp hơn so với một số đối thủ cạnh tranh quan trọng như Thái Lan (1,1%), Ấn Độ (2,96%)…
Do đó, nhiều DN XK tôm cũng đang hy vọng trong những tháng tới, trên thị trường Mỹ, sức cạnh tranh của tôm Việt Nam sẽ được tăng lên đáng kể so với tôm đến từ những nước nói trên.
Tuy nhiên, hy vọng khởi sắc cho XK tôm trong những tháng cuối năm cũng không nhiều lắm. Bởi so với nhiều nước XK tôm lớn khác, tôm Việt Nam vẫn đang gặp bất lợi về giá.
Theo ông Trần Tấn Tâm, TGĐ TCty Thủy sản Việt Nam, tháng 7 vừa rồi, giá tôm Việt Nam XK sang Mỹ đã giảm 1,5-2 USD/kg so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, nếu so với giá tôm Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… cũng XK sang Mỹ vào thời điểm ấy, tôm Việt Nam vẫn cao hơn từ 1,5-2 USD/kg.
Việc được giảm mạnh thuế CBPG và có mức thuế thấp hơn một chút so với tôm Thái Lan, Ấn Độ… có thể giúp cho giá tôm XK của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, nhưng các DN tôm Việt Nam vẫn gặp bất lợi do đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu NK. Hiện tại, sản lượng tôm trong nước chỉ đáp ứng được 40-50% công suất của các nhà máy chế biến. Vì vậy, lượng tôm NK đang có chiều hướng gia tăng.
Năm ngoái, nước ta đã NK khoảng 800 triệu USD thủy sản mà 80% trong đó là tôm nguyên liệu phục vụ chế biến XK. Năm nay, giá trị thủy sản NK có thể lên tới 1 tỷ USD. Điều đáng nói là các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… vốn đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trên thị trường tôm thế giới, mà các DN Việt Nam lại đang phải NK tôm nguyên liệu từ những nước này, vì thế khó tránh khỏi những bất lợi về giá cả, chất lượng…
Trên thực tế, đã có nhiều DN có lô hàng tôm thành phẩm được chế biến từ tôm nguyên liệu NK, khi XK ra nước ngoài bị phát hiện có dư lượng chất độc hại, khiến cho DN bị thiệt hại, mất uy tín, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín chung của tôm Việt Nam.
Ở các mặt hàng thủy sản chủ lực khác là cá tra, hải sản…, tình hình XK cuối năm cũng khó được cải thiện. Nguyên nhân chính là do nhu cầu không cao trên thị trường thế giới.
Mọi năm, những tháng cuối năm thường là thời điểm gia tăng mạnh về XK của thủy Việt Nam, bởi nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới để phục vụ cho các dịp lễ, tết. Những tháng cuối năm nay, các DN XK thủy sản, nhất là DN XK tôm cũng hy vọng vào thị trường thế giới cuối năm, nhất là khi nước XK tôm lớn là Ấn Độ đã gần như hết hàng.
Thế nhưng, những biến động trên thị trường tiền tệ thế giới lại gây ra những bất lợi lớn cho XK thủy sản Việt Nam. Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, sự suy yếu của đồng euro, đồng yên Nhật… khiến cho nhiều nước XK thủy sản khác phải giảm giá đồng tiền và giảm giá các mặt hàng thủy sản nhằm tăng sức cạnh tranh. Chính vì vậy, XK thủy sản cuối năm nay rất khó có thể dự báo được.
Ông Trương Đình Hòe, cho biết ước tính trong 8 tháng qua, giá trị XK thủy sản đã đạt khoảng 4,2 tỷ USD. Năm ngoái, trong những tháng cuối năm, giá trị XK thủy sản đạt bình quân 700-800 triệu USD/tháng.
Năm nay, do XK thủy sản gặp nhiều khó khăn, nên trong những tháng cuối năm, giỏi lắm chỉ có thể đạt 500-600 triệu USD/tháng. Như vậy, trong 4 tháng còn lại của năm, nếu như phấn đấu đạt được mức bình quân 600 triệu USD/tháng, thì cũng chỉ đạt tổng cộng khoảng 2,4 tỷ USD. Cộng với giá trị XK mà 8 tháng đầu năm đã đạt được, thì cả năm nay, XK thủy sản sẽ khó mà đạt được 7 tỷ USD./.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Tin mới cập nhật

Xuất khẩu cá tra tăng trưởng, thị trường đón tín hiệu tốt

Giá cao su quý I/2025 tăng, thị trường chờ đợi điều gì?

Xuất khẩu chè sang Pakistan đạt hơn 4 triệu USD trong tháng 3

Quý I/2025, xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 202 tỷ USD

Xuất khẩu hạt điều giảm nhưng giá bán tăng kỷ lục

Xuất khẩu gỗ quý I tăng mạnh, đạt gần 4 tỷ USD

Giá xuất khẩu hồ tiêu lập đỉnh, kim ngạch quý I/2025 tăng 2 con số

Quý 1/2025 xuất khẩu rau quả sụt giảm

Thanh long vượt sầu riêng, trở lại 'ngôi vương' xuất khẩu trái cây

Xuất khẩu hồ tiêu quý 1/2025 tăng trưởng mạnh
Tin khác

Xuất khẩu phân bón tháng 3 tăng mạnh, đạt gần 91 triệu USD

Mở rộng không gian xuất khẩu cho ngành gỗ

Thanh long vươn lên top đầu xuất khẩu rau quả Việt

Hà Nội: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2025 tăng 9,1%

Đa dạng thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế tạo

Infographic | Xuất khẩu thủy sản quý I/2025 bứt phá ấn tượng

Gỡ vướng cho xúc tiến xuất khẩu tại chỗ

Giá xuất khẩu tiêu đen của Việt Nam đạt gần 6.500 USD/tấn

Infographic| Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 162 tỷ USD

Việt Nam đứng đầu về nguồn cung hạt điều cho Hoa Kỳ, chiếm 87,8%
Đọc nhiều

Quảng Ngãi nghiên cứu chia cán bộ làm việc hai nơi sau sáp nhập

Sun Group động thổ Khu dịch vụ thương mại và cáp treo Am Tiên tại Thanh Hóa

Ngành thời trang chiếm áp đảo doanh số thương mại điện tử

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi ngoạn mục

Nhận định chứng khoán 24/4: Hạn chế mua đuổi cổ phiếu

Nhận định chứng khoán 23/4: Mở thêm vị thế mua mới

Nhận định chứng khoán 22/4: Nhịp hồi phục quay lại

Hành khách đi máy bay dịp lễ 30/4-1/5 cần lưu ý gì?

Honda Việt Nam nhận giải thưởng Rồng Vàng 2025: Hướng trọng tâm vào phát triển xanh
