Vốn FDI đạt mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua
Theo đó, đăng ký cấp mới có 2.247 dự án có vốn FDI được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 8,53 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,40 tỷ USD, chiếm 20%; các ngành còn lại đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 8,9%.
Nhìn tổng thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/8/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tám tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,66 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc gần 1,7 tỷ USD, chiếm 14,2%; Hồng Công (Trung Quốc) 1,41 tỷ USD, chiếm 11,7%; Nhật Bản 1,24 tỷ USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 731,3 triệu USD, chiếm 6,1%; Đài Loan 660,3 triệu USD, chiếm 5,5%.
Về vốn đăng ký điều chỉnh có 926 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,71 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh hoạ. |
“Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13,61 tỷ USD, chiếm 76,8% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, chiếm 14,4%; các ngành còn lại đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 8,8%”, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Việc dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam được xem là lý do quan trọng để các định chế tài chính quốc tế tiếp tục đưa ra các kịch bản điều chỉnh tăng về tốc độ GDP năm 2024 của Việt Nam trong bối cảnh thu hút vốn FDI trên thế giới vẫn đàng có xu hướng giảm. Đáng chú ý là chỉ số PMI liên tiếp phục hồi ở mức cao đã minh chứng rõ nét cho sự phục hồi trong sản xuất cũng như nhu cầu tăng của các đơn hàng mới.
Ông David Jackson, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV) kiêm Tổng giám đốc tại Avison Young Việt Nam, nhấn mạnh rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản đối với các nhà đầu tư Hồng Kông.
Còn ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, mô tả Việt Nam nổi bật với vị thế là một cửa ngõ vào ASEAN. Theo ông, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN. Đặc biệt, môi trường thuận lợi mở ra thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam, cùng với đó là việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại giữa các khu vực với việc tăng cường các FTA sẽ thúc đẩy nhu cầu thương mại, cũng như cung cấp khả năng phục hồi trước các yếu tố kinh tế bên ngoài.
Chia sẻ ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á với tiềm năng đầy hứa hẹn từ các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, lao động lành nghề và tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Mặt khác, Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt mức kỷ lục trong thời gian qua. Việt Nam cũng là thị trường sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của thế giới.