Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ
Ghi nhận mức tăng cao trong 2 tháng đầu năm
Theo trang Vietnam Briefing (Tạp chí cung cấp thông tin chuyên sâu về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam), trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận dòng vốn FDI đổ vào hơn 4,29 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 405 dự án mới, với tổng vốn đăng ký là 3,6 tỷ USD, tăng 55,5% về số lượng và gấp đôi giá trị được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, có 159 dự án điều chỉnh vốn. Vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2024 lên tới 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn FDI vào Việt Nam tăng vọt trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: VGP |
Trong đó, thu hút FDI nhiều nhất là Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên. 10 khu vực này chiếm 81,7% lượng vốn FDI mà Việt Nam nhận được trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2. Đặc biệt, thủ đô Hà Nội dẫn đầu với gần 914,4 triệu USD, tăng 24,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về khía cạnh các quốc gia đầu tư tại Việt Nam, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Trung Quốc là những nguồn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu trong số 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 8,25 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm.
Minh chứng rõ nét là ngay đầu năm, nhiều doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến tận tháng 6. Hoạt động sản xuất nhộn nhịp hơn. Người lao động cũng bắt đầu làm tăng ca, thay vì chỉ làm cách ngày như năm 2023. Sản xuất hồi phục, xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Trong đó, vai trò dẫn dắt thuộc về mảng xuất khẩu máy tính và sản phẩm điện tử với mức tăng tới 33% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các loại trái cây đặc sản khác như xoài, chuối, thanh long, dừa tươi cũng đón nhận tin vui khi có nhiều đơn hàng ngay trong tháng đầu năm mới để lên đường đi Trung Quốc, Mỹ, Australia...
Không những vậy, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đang nhận được đơn hàng, hợp đồng từ nhiều thị trường mới với nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Năm 2024 khách hàng từ các thị trường truyền thống vẫn duy trì và thậm chí tăng đơn hàng so với năm cũ. Tính đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã lấp đầy đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Không những vậy, doanh nghiệp đã trúng gói thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với hơn 60 ngàn tấn gạo trong tổng số 500 ngàn tấn.
Theo tính toán từ Hiệp hội gạo, năm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực.
Theo trang Washington Examiner, ông Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng của AMRO cho biết: “Chúng tôi dự đoán với việc phục hồi sau đợt suy thoái năm 2023, kỳ vọng phục hồi xuất khẩu, dự kiến tốc độ tăng trưởng là 6%. Mặc dù thấp hơn một chút so với mục tiêu chính thức, nhưng chúng tôi cho rằng tốc độ phục hồi xuất khẩu vừa phải hơn”.
Với dự báo tăng trưởng 6% vào năm 2024, Việt Nam đứng thứ ba trong dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của AMRO, sau Philippines với 6,3% và Campuchia với 6,2%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng ở Việt Nam không còn chỉ xoay quanh nông nghiệp mà đã định vị trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm công nghiệp 4.0, chip bán dẫn, AI và hydro, đồng thời đang thu hút vốn quốc tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 36,6 tỷ USD vào năm 2023.
Hướng đi nào để duy trì tác động tích cực của FDI
Dù ghi nhận mức đầu tư FDI tăng vọt trong những tháng đầu năm nhưng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên mới đây, các doanh nghiệp nước ngoài không ngại bày tỏ những vướng mắc, khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam.
Nhìn chung, các doanh nghiệp mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, cung cấp điện… Chính những yếu tố này đã gây cản trở, đình trệ các dự án và khả năng cạnh tranh của Việt Nam với nhiều quốc gia khác.
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nền kinh tế nói riêng và sự phát triển của Việt Nam nói chung, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đưa giải pháp để FDI phát triển theo hướng bền vững, lâu dài.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên Ảnh: VGP |
Theo đó, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy các giải pháp theo định hướng thị trường để bổ sung công nghệ xanh về năng lượng, quản lý chất thải và xử lý nước. Điều này nâng cao tính bền vững về môi trường và thu hút các công ty tập trung vào ESG (các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), một phân khúc đang ngày càng phát triển trong thị trường toàn cầu hóa ngày nay.
Doanh nghiệp ngày càng ưu tiên các yếu tố ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Tuân thủ các tiêu chuẩn ESG là điều cần thiết để thu hút doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng hoạt động hoạt động hiện có. Những thay đổi về quy định pháp lý và các ưu đãi tài chính hiệu quả, như giảm thuế và trợ cấp, có thể khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài áp dụng các thông lệ phát triển bền vững toàn cầu ở Việt Nam.
Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển lực lượng lao động có ý nghĩa rất quan trọng. Nâng cao kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động Việt Nam sẽ không chỉ tăng năng suất tổng thể mà còn định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm nguồn lao động có tay nghề và khả năng thích ứng.
Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò quan trọng; tuy nhiên, để phát triển bền vững về lâu dài, cách thức tuyên truyền, giáo dục phải giúp người dân đưa ra những lựa chọn phù hợp cho sức khỏe, môi trường và tài chính của họ. Quan hệ đối tác công-tư, hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ và viện trợ quốc tế đều có thể đóng góp cho các sáng kiến phát triển lực lượng lao động.
Bằng cách ưu tiên các hành động chiến lược này, Việt Nam có thể củng cố vị thế là điểm đến FDI hàng đầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và thực hiện trách nhiệm với môi trường.