Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch cao nhất từ trước đến nay
Sáng 11/12, diễn ra Hội nghị Quốc tế Cà phê Việt Nam năm 2022 và đón các nhà nhập khẩu ngành cà phê quốc tế vào Việt Nam giao dịch mua hàng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại do Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức hàng năm với mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận, chia sẻ thông tin thị trường xuất khẩu, xác định những cơ hội và thách thức, đánh giá năng lực sản xuất và thương mại ngành cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, thúc đẩy các mối quan tâm đối với việc phát triển cà phê thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường.
Nhiều tiến bộ đã được áp dụng vào sản xuất như: giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh cà phê đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
Việt Nam đã hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/năm.
Đưa cà phê Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển như: Đề án phát triển cà phê bền vững, đề án tái canh cà phê, đề án sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê, ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam.
Tổng quan năm 2021-2022, sản lượng vụ ước tính khoảng 1,7 triệu tấn, tổng diện tích vùng trồng khoảng trên 600.000 ha. Tổng lượng xuất khẩu ước lượng khoảng 1,7 triệu tấn, tăng 13% về lương so với vụ trước. Giá trị xuất khẩu tăng 33,4%.
Trước những biến động phức tạp trên thị trường toàn cầu, dự báo cung cầu của thị trường sẽ cân bằng lại, thậm chí cung sẽ cao hơn cầu. Nhiều giải pháp phát triển chế biến sâu cà phê được đưa ra thảo luận. Trong đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng cà phê, kiểu dáng, mẫu mã bao bì, cần thiết có cơ chế mở rộng số lượng doanh nghiệp trong khu vực này.
Để giảm bán hàng theo “bao”, tăng bán hàng theo “gói”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi sự đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu gắn với quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt.
Trong sản xuất cà phê, ông Lê Văn Đức chia sẻ, thách thức lớn về kỹ thuật, nguồn vốn và tổ chức sản xuất. Để sản xuất cà phê bền vững, nhiều địa phương đã phát triển trồng xen cà phê với các loại cây trồng khác như bơ, điều, sầu riêng… cho lợi nhuận trồng thêm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng Hội nghị là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu và các doanh nghiệp có tiềm năng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác tiềm năng cũng như tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu, các nhà môi giới thương mại cà phê trên thế giới.
Bên cạnh nâng cao năng lực chế biến sâu, cũng cần xúc tiến kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu. Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu xuất khẩu cà phê đào tạo nhân lực. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường cà phê chế biến sâu. Củng cố thị trường truyền thống về xuất khẩu cà phê EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, và phát triển thị trường tiềm năng ASEAN và Trung Quốc.
Hội nghị Quốc tế ngành Cà phê Việt Nam năm 2022 cũng đã cho thấy rõ hướng đi mới của ngành cà phê Việt Nam trong thời gian tới, để bắt kịp với sự vươn lên của ngành cà phê thế giới. Tại Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết giữa Hiệp hội cà phê Việt Nam - VICOFA và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững - IDH; Hiệp hội cà phê Việt Nam - VICOFA và Nestlé; Tổ chức ICO và diễn đàn ACF.