Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác phát triển chuỗi nuôi hàu
Việt Nam và Nhật Bản hợp tác phát triển về vi mạch bán dẫn Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác về khoa học-công nghệ |
Nhu cầu tiêu dùng hàu và các sản phẩm chế biến từ hàu trên thế giới ngày càng tăng cao, trong khi đó Việt Nam là nước có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chuỗi nuôi hàu.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo về công nghệ nuôi trồng thủy sản do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 14/2.
Phân loại hàu sau khi thu hoạch. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Ông Đinh Xuân Lập, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), cho biết nghề nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung và nuôi nhuyễn thể nói riêng chuyển biến tích cực từ tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung hướng đến xuất khẩu.
Sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam được xuất khẩu sang 50 thị trường trên thế giới; trong đó có một số thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia...
Việt Nam có lợi thế với hơn 3.260km đường bờ biển với nhiều bãi cát và vùng sinh cảnh thuận lợi cho các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Với sản phẩm hàu, hiện nay cả nước có khoảng 3.200ha nuôi hàu, phân bổ rải rác ở 24 tỉnh, thành phố ven biển. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.
Theo ông Đinh Xuân Lập, hàu có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm như làm thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước uống có giá trị cao. Lợi thế phát triển chuỗi giá trị hàu ở Việt Nam là có diện tích mặt nước lớn, Chính phủ và ngành thủy sản quan tâm phát triển nuôi biển, người nuôi năng động, tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng chương trình giám sát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Sản phẩm hàu ngày càng được ưa chuộng và dùng trong các bữa ăn của các gia đình, nhà hàng ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ..., tạo động lực để người nuôi hàu đầu tư phát triển.
"Tiềm năng lớn nhưng hạn chế của Việt Nam là chưa thực sự có công nghệ nuôi tiên tiến, đảm bảo chất lượng thịt và chống chịu được thời tiết, khí hậu. Việt Nam cũng chưa có nguồn hàu bố mẹ và nguồn giống tốt cho phát triển nuôi thương phẩm và phục vụ xuất khẩu. Việt Nam cũng gặp khó khăn trong quản lý nguồn nước phát triển nuôi hàu sạch do môi trường hở, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm ăn sống. Công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa cao nên phần lớn sản phẩm hàu nuôi hiện nay phục vụ làm thức ăn cho chuỗi nuôi tôm hùm, chỉ một phần hàu thịt được dùng làm thực phẩm trực tiếp," ông Đinh Xuân Lập phân tích.
Ông Nguyễn Thành Luân, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, cho biết những năm gần đây, chuỗi nuôi trồng hàu phát triển mạnh mẽ, một số nơi đã vượt qua quy hoạch vùng nuôi nhưng thiếu chế tài quản lý.
Mặt khác, công nghệ nuôi thô sơ tác động xấu đến môi trường, mỹ quan, cần được cải thiện. Chuỗi nuôi hàu tại Khánh Hòa có lợi về chất lượng thịt nhưng liên kết còn lỏng lẻo.
Để khai thác tối ưu tiềm năng diện tích mặt biển và hài hòa với với các ngành khác, Việt Nam cần rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi hàu, đồng thời đầu tư cải thiện giống, quản lý chất lượng sản phẩm; phát triển chế biến, phân phối để ngành nuôi hàu mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương.
Để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng hàu làm thực phẩm ăn sống, xuất khẩu, cần sớm hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi hàu theo tiêu chuẩn sạch; xây dựng chuỗi liên kết từ trại giống, trại nuôi đến doanh nghiệp chế biến, nhà phân phối.
Ông Ihara Hidenori, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết từ tháng 6 năm 2022, JICA và Công ty Yamanaka Inc (Nhật Bản) đã tiến hành khảo sát về tính khả thi của việc áp dụng công nghệ nuôi hàu sử dụng ăn sống và công nghệ quản lý vệ sinh để thúc đẩy ngành nuôi hàu tại tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam.
Đây là dự án nghiên cứu tính khả thi liên quan đến chuyển giao công nghệ nuôi hàu và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thông qua dự án, Nhật Bản mong muốn lan tỏa kỹ thuật nuôi hàu có giá trị gia tăng và năng suất cao, giúp tăng thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam trong tương lai.
Ông Shinji Takada, Tổng Giám đốc Công ty Yamanaka, cho biết Nhật Bản từng là quốc gia đứng đầu thế giới về ngư nghiệp, tuy nhiên những năm trở lại đây, Nhật Bản đã nhập khẩu tới hơn một nửa lượng thủy sản thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trên bè nổi khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN) |
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, một trong những sản phẩm được xuất khẩu nhiều những năm gần đây là hàu. Việc phát triển nuôi trồng hàu phục vụ nhu cầu ăn sống ngày càng phát triển, do đó Nhật Bản mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho nghề nuôi hàu tại Việt Nam thông qua phát triển công nghệ và nhận thức về vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Shinji Takada, Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường để nuôi hàu kỹ thuật cao, tuy nhiên, hàu của Việt Nam hiếm khi được xuất khẩu và vẫn đang gặp những vấn đề như năng suất thấp, chưa có cơ sở hạ tầng nuôi hàu có khả năng chống chọi với thiên tai và có thể sản xuất hàu chất lượng cao để ăn sống.
Trong khi đó, Nhật Bản có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi hàu chất lượng cao có thể hỗ trợ Việt Nam cùng phát triển trong thời gian tới.